Multimedia Đọc Báo in

Vượt khó cùng cây mít trên vùng đất cằn

11:05, 21/08/2018

Sau những ngày mưa dầm, con đường đi lên rẫy mít của anh Y Thái Ksor (trú tại buôn Giang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) trở nên lầy lội.

Anh Y Thái chia sẻ, trước khi quyết định "mạo hiểm” trồng 312 cây mít trên diện tích 1 ha đất nhà mình, vợ chồng anh Y Thái đã nhiều năm gắn liền với cây bắp, nguồn lợi từ cây bắp chẳng được bao nhiêu. Sau một chuyến ra huyện tập huấn về cây ăn quả có múi, anh quyết định chuyển hẳn sang trồng mít, bắt đầu thử nghiệm với các giống mít Thái siêu sớm, mít nghệ và mít lá bàng.

Anh Y Thái cho hay, trồng mít khá đơn giản và ít vốn nhờ chi phí thấp, sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật ít và tốn ít công chăm sóc, thu hoạch. Nhưng nếu muốn cây ra trái đều, to thì cần để ý một chút vào giai đoạn quan trọng nhất của cây là lúc chuẩn bị đậu trái. Ruồi vàng là kẻ thù của cây mít cho nên cần kiên trì bôi thuốc nhử ruồi vào ống lon để treo trên từng cây mít, ngăn không cho chúng chích vào cây mít.

Để có năng suất cao thì nên chú ý bón phân đúng liều lượng, mỗi cây nên để 7 - 9 trái/vụ. Nhờ chịu khó chăm sóc và hợp thổ nhưỡng nên hơn 300 cây mít của gia đình anh Y Thái phát triển rất tốt. Anh cho hay, sau một năm mít đã cho trái nhưng sẽ cắt bỏ để giữ sức cho cây. Năm thứ hai anh cho cây nuôi một số quả thử nghiệm. Đến năm thứ ba anh chị mới bắt đầu cho cây nuôi quả để bán. Những quả mít đầu tiên chín thơm ngào ngạt trên rẫy, múi dày, ngọt, màu vàng đẹp mắt khiến vợ chồng anh chị mừng hơn “bắt được vàng”. Anh Y Thái nhớ lại, thời gian đầu mới đổ tiền ra trồng mít có không ít người lo sợ thất bại với sự mạo hiểm này. Nhưng anh chị vẫn kiên trì cho đến khi thu hoạch lứa đầu tiên với 7 tấn và giá bán tại vườn lúc đó là 7.000 đồng/kg, anh chị lãi được hơn 30 triệu đồng.

A
Anh Y Thái Ksor đang chăm sóc mít. Ảnh: B.Châu

Giờ đây rẫy mít nhà anh Y Thái đã được hơn 5 năm tuổi và cho thu hoạch được 2 năm. Mỗi năm mít cho thu 2 đợt chính (đợt đầu từ tháng 1 đến tháng 2, đợt thứ 2 thu vào các tháng 4, 5 ,6), còn lại thu dần trong cả năm. Trung bình mỗi năm 312 gốc mít của gia đình anh Y Thái cho thu hoạch khoảng 15 tấn (trung bình 50 kg/cây). Với giá bán tại vườn vào khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình anh có thu nhập từ việc bán mít khoảng 90 triệu đồng/năm.

Băng Châu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.