Multimedia Đọc Báo in

Xã Hòa Hiệp chú trọng phát triển chăn nuôi

09:05, 13/08/2018
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) đã tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.
 
Để người dân chuyển dần từ chăn thả nhỏ lẻ truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền và phối hợp với các nghành chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật cho bà con. Xã cũng đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các ngân hàng ký kết ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn để người dân có vốn đầu tư chăn nuôi. Hằng năm, Đảng bộ xã Hòa Hiệp đều xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Đảng bộ xã yêu cầu các đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phân công đảng viên phụ trách các thôn, buôn tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi. 
 
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Kim Phát.
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Kim Phát.
Nhờ vậy, đến nay tổng đàn gia súc, gia cầm của xã có gần 59.800 con và 1.078 đàn ong; trong đó có 1.650 con bò; 816 con dê; đặc biệt là đàn lợn trên 7.100 con, gà 41.200 con và 9.150 con vịt,  Hiện trên địa bàn xã Hòa Hiệp có 5 hộ đầu tư chăn nuôi trang trại và hơn 40 hộ đầu tư chăn nuôi lợn, nuôi vịt đẻ trứng với quy mô gia trại với số lượng từ vài chục đến hàng trăm con lợn thịt, lợn nái và hàng ngàn con vịt. Tiêu biểu như trang trại chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn Kim Phát.
 
Từ chỗ chỉ nuôi vài con lợn thịt, lợn nái, chị Hương vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt. Chị còn tận dụng phân lợn để chăm bón cho cây trồng, xây dựng hầm biogas để tránh ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí. Hiện bình quân mỗi năm, chị Hương xuất bán ra thị trường hơn 10 tấn lợn thịt, hàng trăm lợn con. Ngoài ra, gia đình chị còn chăn nuôi gà thả vườn và trồng hơn 2 ha cà phê và tiêu xen canh, mỗi năm trừ chi phí còn thu lãi khoảng 150 - 180 triệu đồng.
Bên cạnh đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, người dân xã Hòa Hiệp cũng tập trung chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, qua đó góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã Hòa Hiệp giảm xuống còn 6,31% theo chuẩn đa chiều, năm 2018 xã phấn đấu giảm xuống còn dưới 5%.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Hòa Hiệp còn có các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của các gia đình ông Nguyễn Tri Phương, Hà Văn Hoàng, bà Nguyễn Thị Huệ hằng năm bán từ 5 - 6 tấn lợn hơi. Hộ ông Nguyễn Văn Phi, Nguyễn Văn Bằng nuôi vịt đẻ trứng, mỗi năm xuất bán hàng vạn quả trứng và hàng tấn vịt thịt. Bên cạnh đó, nhiều hộ đầu tư nuôi lợn nái cũng mang lại hiệu quả thiết thực như gia đình ông Trần Văn Diệt (thôn Giang Sơn)...; nhiều hộ ở thôn Mới, Thành Công, Giang Sơn, Đông Sơn cũng đang đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô để chăn nuôi lợn, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể. 

Ông Ngô Tấn Lễ, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp nhấn mạnh: Thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tận dụng các nguồn vốn, chương trình để hỗ trợ, phát triển chăn nuôi. Đặc biệt là vận động bà con thay thế dần các giống vật nuôi truyền thống của địa phương kém hiệu quả sang các giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao; hạn chế chăn thả tự do, tập trung chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh đúng kỹ thuật để duy trì và phát triển chăn nuôi đúng hướng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Bên cạnh đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, người dân xã Hòa Hiệp cũng tập trung chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, qua đó góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã Hòa Hiệp giảm xuống còn 6,31% theo chuẩn đa chiều, năm 2018 xã phấn đấu giảm xuống còn dưới 5%.
 
Hồng Khanh
 

Ý kiến bạn đọc