Multimedia Đọc Báo in

Biến vùng đất trũng thành vườn cây trái trù phú

07:45, 04/09/2018

Dày công cải tạo, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, ông Bùi Sim ở thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) đã biến vùng đất trũng thành vườn cây trái trù phú, mang lại nguồn thu nhập cao.

Đi trong hàng dừa rợp bóng mát cho trái sai trĩu buồng, ít ai nghĩ rằng trước đây khu vườn này là vùng đất trũng quanh năm ngập nước. Khởi nghiệp từ năm 2001, ban đầu gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn vì diện tích 3 ha đất không bằng phẳng, được ví như khu đất “hai tầng”. Với 1 ha tầng đất trên cao có thể canh tác ổn định, ông đã trồng xen canh cà phê và hồ tiêu. Loay hoay mãi với 2 ha tầng đất trũng còn lại, ông chỉ còn cách trồng cây bạch đàn lên toàn bộ diện tích, vì đây là loại cây ít kén đất, hấp thụ nhiều nước.

Đầu năm 2014, khi hệ thống đê, đập trên địa bàn được xây dựng lại, nguồn nước được điều tiết ổn định đã chấm dứt tình trạng ngập úng trên khu đất của gia đình ông Sim. Ngay thời điểm đó, ông đã nghĩ đến ý tưởng chuyển đổi cây trồng. Sau khi thu hồi vốn từ việc thu hoạch vườn bạch đàn, ông thuê lao động tiến hành cải tạo lại đất, đắp đê bao toàn bộ diện tích, thử nghiệm trồng hơn 200 cây dừa xiêm lùn.

Cây dừa góp phần hồi sinh vùng đất trũng của ông Bùi Sim (thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar).
Cây dừa góp phần hồi sinh vùng đất trũng của ông Bùi Sim (thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar).

Thời gian đầu, ông không tránh khỏi lo lắng, nhưng với tinh thần ham học hỏi, thông qua các lớp tập huấn và đi học tập thực tế tại các nhà vườn ở miền Tây Nam Bộ, ông đã tích lũy kiến thức, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc vào thực tế vườn nhà. Khi cây dừa sinh trưởng ổn định được 1 năm, ông tận dụng đất trống tiến hành trồng xen nhiều loại cây khác. Vườn cây được ông bố trí theo hình chữ U, chạy dọc bên ngoài là hơn 100 cây mít da xanh siêu sớm và khoảng 200 cây chuối lùn, bên trong là từng hàng dừa thẳng tắp, xen kẽ là hơn 300 cây dứa gai. Để cải thiện bữa ăn hằng ngày, ông dành 1.000 m2 đất để đào ao nuôi cá, thức ăn cho cá là cỏ tranh được trồng xen trong vườn cây ăn quả. Đồng thời, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông duy trì trồng 3 vụ bắp/năm trên diện tích 2 sào. Nhờ được chăm sóc bài bản, vườn cây xen canh của ông luôn phát triển xanh tốt và đã cho năng suất ổn định.

Với hơn 800 cây ăn trái các loại như dừa, chuối, dứa, mít… và 1 ha cà phê xen tiêu, gia đình ông Sim thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ông còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với những người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương để nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Nhiều năm liền ông Sim được công nhận danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.