Multimedia Đọc Báo in

Cán bộ Hội Nông dân vượt khó làm kinh tế giỏi

08:13, 19/09/2018

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, sau nhiều năm chịu khó trồng trọt, chăn nuôi, đến nay chị Bế Thị Xanh (dân tộc Tày) ở thôn 4, xã Ea Sar, huyện Ea Kar không chỉ là tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế mà còn hoàn thành tốt vai trò của một Chi hội trưởng Chi hội nông dân.

Đến thăm gia đình chị Bế Thi Xanh, chúng tôi thật sự ấn tượng với trang trại heo rừng mà hai vợ chồng chị bỏ công chăm sóc, gây dựng. Toàn bộ diện tích chăn nuôi rộng gần 300 m2 được chia làm hai khu chuồng nuôi nhốt tập trung. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng, trước đây chị Xanh chỉ là hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, từng thất bại rất nhiều lần do heo bị dịch bệnh và giá heo giảm mạnh. Nhiều lần gặp khó nhưng không bỏ cuộc, chị tìm đến nhiều nơi để học hỏi các mô hình làm kinh tế trang trại, rồi tình cờ bắt gặp mô hình nuôi heo rừng. Nhận thấy đây là loài vật nuôi phù hợp với điều kiện gia đình, năm 2012, chị nuôi thử nghiệm 5 con heo, nhờ tích lũy kinh nghiệm thực tế và kiến thức từ các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức, đàn heo sinh trưởng và phát triển tốt, không còn mắc bệnh. Sau 8 tháng chăm bẵm, lứa heo đầu tiên được xuất chuồng đạt trọng lượng khoảng 35 kg/con, với giá bán 120.000 đồng/kg, chỉ mới lứa đầu chị đã thu hồi lại được vốn. 

Chị Bế Thị Xanh chăm sóc đàn dê của gia đình.
Chị Bế Thị Xanh chăm sóc đàn dê của gia đình.

Với phương châm tích tiểu thành đại, đến nay trang trại của chị đã tăng lên hơn 100 con heo rừng (gồm heo nái, heo con, heo thương phẩm). Hệ thống chuồng trại, ống dẫn nước, con giống… cũng được chị đầu tư xây dựng bài bản. Chị Xanh cho hay, heo rừng là giống loài ở ngoài môi trường hoang dã nên chăn thả trong môi trường tự nhiên sẽ giúp heo phát triển nhanh hơn. Heo rừng lại dễ nuôi, rất ít khi dịch bệnh so với các giống heo khác. Nguồn thức ăn có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp nên tiết kiệm được nhiều chi phí.

Có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, năm 2014, chị Xanh có điều kiện đầu tư mua 2 ha đất để trồng cà phê đến nay đã cho thu hoạch. Đầu năm 2018, chị Xanh còn quyết định thử sức nuôi thêm dê thương phẩm. Biết phát huy tiềm năng lợi thế cùng sự quyết tâm, chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp, hiện nay từ trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm gia đình chị thu nhập hơn 500 triệu đồng.

Chị Bế Thị Xanh chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.
Chị Bế Thị Xanh chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Xanh còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của Hội Nông dân và của địa phương. Mới 34 tuổi nhưng đã được tín nhiệm giữ vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 4. Từ năm 2015, chị Xanh đã cho 5 hội viên nông dân nghèo vay con giống không tính lãi, đồng thời hỗ trợ các hộ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đến nay các hộ đều đã thoát nghèo. Nhiều hộ nông dân trong thôn được chị hướng dẫn cũng đã chuyển hướng sang chăn nuôi với quy mô tập trung, có thu nhập ổn định, hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào nông dân.

Từ những nỗ lực của bản thân, chị Bế Thị Xanh nhiều năm liền được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng. Đó cũng chính là động lực thôi thúc chị tiếp tục cống hiến để các phong trào nông dân tại địa phương ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, trở thành một chi hội vững mạnh của Hội Nông dân xã Ea Sar.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.