Cẩn trọng với loài sâu năn gây hại trên lúa vụ hè thu 2018
Hiện nay, trà chính vụ của lúa hè thu 2018 trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn tượng khối sơ khởi và trổ, tuy nhiên nhiều ruộng lúa đã bị sâu năn gây hại, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sản lượng lúa.
Đang mùa mưa, nhìn từ xa cánh đồng lúa hiện lên mơn mởn, xanh mướt, khó ai nghĩ rằng nhiều khoảnh ruộng đang bị sâu hại; nhưng nếu chịu khó lội vào từng thửa ruộng, vạch từng khóm lúa sẽ phát hiện dấu vết của sâu năn (muỗi hành) qua triệu chứng nhiều “cọng hành” hiện diện ở giữa bụi lúa. Chỉ cần quan sát đầu trên “cọng hành” chưa rỗng (còn kín), tước ống hành từ trên xuống sẽ thấy nhộng sâu năn đang ủ mình trong đó. Dựa vào vòng đời các pha của sâu năn, có thể đoán được lứa sâu năn này đã xuất hiện hơn 20 ngày qua sau những cơn mưa rải rác kéo dài đan xen với những đợt nắng vội (cuối tháng 7-2018) làm cho độ ẩm trong chân ruộng cao (hơn 80%), tạo cơ hội cho sâu năn xuất hiện và phát triển. Điều khó khăn cho nông dân là triệu chứng “cọng hành” có màu xanh nhạt lẫn vào các rãnh lúa nên khó phát hiện sớm, khi nhận diện được thì tỷ lệ gây hại đã cao.
Anh Y Thiết đi thăm đồng và kiểm tra ruộng lúa của gia đình. |
Ruộng lúa của gia đình anh Y Thiết tại cánh đồng buôn Kbu, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) gieo giống lúa dài ngày (V13/2) đang chuẩn bị trổ. Những ngày vừa qua, thấy lúa vàng lá anh Y Thiết mang phân NPK ra bón mà không biết rằng thực tế ruộng đang bị bệnh vàng lá do đốm sọc vi khuẩn và có triệu chứng gây hại từ sâu năn. Qua trao đổi cho thấy nhiều nông dân chủ quan, không tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do các cơ quan chức năng tổ chức, chưa áp dụng kỹ thuật trong thâm canh lúa nước, đây cũng là nguyên nhân tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh và gây hại lúa trong vụ hè thu này. Cụ thể, với thời tiết mưa dầm, bón phân cho lúa như anh Y Thiết là sai vì khi trời mưa cây lúa ít quang hợp (không có nắng), cây không mất nước qua lỗ khí khổng nên cây ít hút nước (vì không mất cân đối lượng nước trong cây), theo đó lượng dinh dưỡng bón vào ruộng sẽ không được lúa hấp thu mà bị rửa trôi theo mưa, không hiệu quả. Mặt khác, nếu ruộng đang bị bệnh mà bón NPK với lượng đạm nhiều (đạm chiếm 16%) là “tiếp tay” cho bệnh vàng lá và sâu năn phát triển lây lan.
Vẫn biết có cây trồng phải có sâu hại, theo đó sẽ có một lực lượng côn trùng có lợi (thiên địch) khống chế sâu hại, tạo nên một sự chu chuyển năng lượng trong tự nhiên để cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, nếu không chủ động trong việc phòng sâu bệnh, khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh hại như sâu năn phát sinh “vượt ngưỡng” sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sản lượng lúa.
Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, sau khi kết thúc vụ đông xuân (tháng 4-5), các cơ quan chức năng đã chỉ đạo hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ xuống giống hè thu và tổ chức triển khai đối với từng địa bàn cơ sở, từng cánh đồng; khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa phù hợp trên từng chân ruộng; đẩy mạnh sử dụng các giống lúa mới nguyên chủng, giống xác nhận, lúa lai giá trị cao…; chú trọng tăng cường đầu tư thâm canh để gia tăng giá trị sản xuất. Tuy nhiên, do sự chủ quan của nông dân, chưa tham gia nhiều các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng trên ruộng nên sâu bệnh hại vụ hè thu vẫn còn phát sinh, gây hại.
Để hạn chế thấp nhất vấn đề phát sinh và lây lan sâu bệnh hại trong vụ lúa hè thu, đặc biệt là sâu năn, bà con nông dân cần quan tâm sử dụng các giống lúa kháng sâu, bệnh hại (trong đó có kháng sâu năn); bón phân hợp lý theo nhu cầu dinh dưỡng của từng giống lúa, từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển; thăm đồng thường xuyên, kịp thời nắm bắt các hiện tượng phát sinh để xử lý đúng lúc; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải theo “bốn đúng” - đúng lúc, đúng cách, đúng thuốc và đúng liều lượng, nồng độ.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc