Multimedia Đọc Báo in

Chi hội trưởng nông dân tận tâm với công việc

08:06, 20/09/2018

Hơn 13 năm gắn bó với công tác Hội, anh Trần Trọng Quang, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hiệp Hưng (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) luôn là đầu tàu trong công tác, được người dân tin tưởng, đánh giá cao.

Khi còn là hội viên của Hội Nông dân xã, anh Quang vốn đã rất năng nổ, nhiệt tình trong mọi phong trào của Hội. Chính vì vậy, khi được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng, sự tận tâm, nhiệt tình ấy càng được thể hiện rõ nét thông qua công việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia công tác Hội và các phong trào của Hội. Đặc biệt, khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện trên địa bàn xã, vai trò của một Chi hội trưởng càng nặng nề hơn vì rất nhiều việc phải làm để góp phần đưa xã cán đích nông thôn mới đúng theo kế hoạch.

Để sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý, khoa học giữa công việc của gia đình và công tác xã hội, hằng ngày sau khi đi làm vườn về, anh dành thời gian nghỉ ngơi của mình để đến nhà các hội viên trao đổi, trò chuyện nhằm nắm bắt nguyện vọng của nông dân. Đồng thời, anh dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến nông dân để khi đi tuyên truyền, vận động anh đều phổ biến cho người dân nắm rõ để thực hiện đúng. Anh Quang chia sẻ, để các hội viên hiểu và tin, trước hết mình phải là một người gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, đồng thời cũng là người có hiểu biết, nắm vững mọi chủ trương, chính sách. Đơn cử như khi đi vận động người dân tham gia đóng góp làm đường nông thôn mới, với tâm lý trông chờ, ỉ lại vào sự đầu tư của Nhà nước xưa nay của không ít hộ dân nên lúc đầu anh không nhận được sự đồng tình của tất cả mọi người. Do đó, anh phải đến từng nhà phân tích, giải thích rõ ràng cho họ hiểu về lợi ích mà họ nhận được khi đường sá được xây dựng khang trang. Bằng sự chân thành và tận tâm với công việc, các hội viên nông dân đều hiểu được vấn đề và đồng tình với anh. Nhờ đó, tại những khu vực cần đất để mở rộng đường, người dân đều sẵn sàng hiến một phần đất đai của mình. Như gia đình ông Lê Văn Tấn sẵn sàng hiến 200 m2 đất, cùng tài sản trên đất, đồng thời dỡ bỏ hàng rào, phát quang hành lang để hỗ trợ thi công đường, góp phần thay đổi bộ mặt của thôn.

Anh Trần Trọng Quang (bên phải) đang hướng dẫn hội viên nông dân về kỹ thuật  chăm sóc cà phê.
Anh Trần Trọng Quang (bên phải) đang hướng dẫn hội viên nông dân về kỹ thuật chăm sóc cà phê.

Đến nay, toàn thôn đã bê tông được 3 tuyến đường nội thôn, trong đó Nhà nước hỗ trợ 560 triệu đồng, người dân đóng góp 240 triệu đồng; nhân dân tự nguyện đóng góp 300 triệu đồng, 600 ngày công để cứng hóa được 1,8 km đường nội đồng… Ngoài ra, để thực hiện tiêu chí về môi trường, anh Quang đã vận động các hộ dân đào hố xử lý rác tại gia đình đối với các khu vực chưa có xe thu gom, nhờ vậy trong thôn không có tình trạng vứt rác bừa bãi. Không những thế, để tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, nhiều tuyến đường tại thôn được hội viên trồng hoa dọc hai bên đường.

Anh Trần Trọng Quang cho biết thêm, làm công tác Hội tuy vui vì có nhiều phong trào để giao lưu, học tập, nhưng cũng có không ít những trăn trở, nhất là về hỗ trợ phát triển sản xuất cho hội viên trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Bởi trên thực tế, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất ngoài thị trường bao giờ cũng nhanh, thuận lợi hơn nhiều so với Hội Nông dân đảm nhiệm khiến một số hội viên không còn mặn mà với Hội. Để giữ chân được các hội viên, ngoài việc cán bộ Hội cơ sở luôn phải linh động giải quyết các vướng mắc kịp thời thì Hội Nông dân cấp trên cũng cần quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ sở trong các hoạt động hỗ trợ nông dân để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Lê Minh


Ý kiến bạn đọc