Multimedia Đọc Báo in

Cư Ni dồn lực về đích nông thôn mới

08:41, 07/09/2018

Cư Ni là xã duy nhất của huyện Ea Kar phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018.  Để về đích đúng lộ trình, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã đang tập trung huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Những ngày này có dịp về xã Cư Ni sẽ chứng kiến không khí tấp nập, nhộn nhịp của người dân các thôn đang khẩn trương di dời hàng rào, tường xây, cây cối để làm đường giao thông thôn xóm. Sau khi cùng người dân trong thôn kéo đổ một đoạn tường xây để giải phóng mặt bằng mở rộng đường, ông Lều Đình Thư, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn 7 chấm vội những giọt mồ hôi trên trán và kể về quá trình vận động làm đường nông thôn. Thôn 7 có 209 hộ với 894 khẩu được chia thành 5 xóm theo địa bàn dân cư. Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chi bộ, ban tự quản, Mặt trận và các đoàn thể đã tổ chức họp toàn thể nhân dân để tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, quyền, nghĩa vụ của người dân trong xây dựng nông thôn mới; bàn bạc thống nhất cách làm, mức đóng góp, hoạch toán cụ thể chi phí, bầu ban vận động, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát làm đường. Đồng thời, tổ chức họp từng xóm, vận động cá biệt đối với những hộ còn “lấn cấn” trong việc đóng góp làm đường.

Lãnh đạo UBND xã Cư Ni (huyện Ea Kar) kiểm tra tiến độ làm đường giao thông thôn 7.
Lãnh đạo UBND xã Cư Ni (huyện Ea Kar) kiểm tra tiến độ làm đường giao thông thôn 7.

 Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, các hộ trong thôn đã đồng tình đóng góp 1,5 triệu đồng/hộ cùng nguồn vốn của Nhà nước để bê tông hóa 1,3 km đường trục chính của thôn. Anh Đặng Bình An, một người dân thôn 7 cho hay: “Hiểu được chủ trương xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi không chỉ đóng góp tiền, ngày công mà còn tự nguyện hiến 76 m2 đất để mở rộng đường. Đường rộng, đẹp, sạch sẽ thì người dân mình được hưởng lợi nhiều nhất, việc đi lại, giao thương cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.

Không chỉ ở thôn 7 mà người dân các thôn, buôn trên địa bàn xã Cư Ni đều tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, di dời vật kiến trúc để làm đường giao thông. Nhờ làm tốt công tác huy động vốn và khơi dậy nội lực trong dân, trong năm 2017, xã Cư Ni đã huy động được 63 tỷ đồng, trong đó vốn của người dân trên 41 tỷ đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa trường học, phòng học, mương dẫn nước, bê tông hóa và cấp phối đường giao thông các thôn, buôn; xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, sân, cổng, tường rào… Riêng trong 7 tháng đầu năm 2018, xã đã được đầu tư 8,7 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, trên 10 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác và huy động nhân dân đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhờ vậy đến nay, các tuyến đường trục chính nội đồng, ngõ xóm, liên thôn, buôn, trục xã trên địa bàn đã cơ bản được giải phóng mặt bằng, làm cấp phối, bê tông hóa hoặc nhựa hóa. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Phạm Duy Hùng, để có thể cơ bản đạt tiêu chí giao thông, Cư Ni cần trên 52 tỷ đồng nữa. Vì vậy, trong những tháng còn lại của năm 2018, xã tích cực huy động, lồng ghép các nguồn vốn và vận động nhân dân phát huy tinh thần tự lực trong xây dựng nông thôn mới.

Đường giao thông buôn Ega, xã Cư Ni (huyện Ea Kar) được bê tông hóa từ nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp.
Đường giao thông buôn Ega, xã Cư Ni (huyện Ea Kar) được bê tông hóa từ nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp.
 
“Đến nay, xã Cư Ni đạt và cơ bản đạt 16 tiêu chí nông thôn mới, còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: chợ, giao thông, tỷ lệ hộ nghèo. Để có thể về đích đúng lộ trình, bên cạnh nguồn lực trong dân và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xã Cư Ni mong muốn UBND tỉnh, huyện phân bổ kịp thời nguồn vốn theo kế hoạch nhằm thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới”.
 
Chủ tịch UBND xã Cư Ni Phạm Duy Hùng

Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã Cư Ni đã dành sự quan tâm và nguồn lực để giải quyết bài toán giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là hộ nghèo, các đối tượng yếu thế.

Để giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,9% đầu năm 2018 xuống còn dưới 7% theo quy định, xã đã tổ chức đối thoại với người nghèo, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ nỗ lực vươn lên, phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển đa cây, đa con, chỉ đạo các đoàn thể tín chấp nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 38 tỷ đồng; giới thiệu, giải quyết việc làm tại chỗ cho 1.200 lao động nông thôn. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết giao cho từng đoàn thể, thôn, buôn có mô hình, biện pháp cụ thể giúp đỡ hộ nghèo. Đồng thời giao cho Hội Chữ thập đỏ chủ công, phối hợp với các đoàn thể xây dựng Ngân hàng bò với 32 con bò giống sinh sản hỗ trợ cho 32 hộ nghèo. Mặt trận Tổ quốc xã cũng đã huy động nguồn từ Quỹ Vì người nghèo các cấp, các doanh nghiệp để hỗ trợ 25 con bò cho hộ nghèo. Đến nay đã có hàng chục hộ được luân chuyển bò phát triển sản xuất.

Đối với tiêu chí chợ nông thôn, UBND xã đã làm việc với doanh nghiệp đóng trên địa bàn đồng ý giao 2.400 m2 đất đã đền bù giải phóng mặt bằng cho địa phương mở rộng chợ thôn 11. Để có nguồn vốn trên 5,7 tỷ đồng xây dựng chợ, ngoài nguồn vốn của tỉnh, huyện trên 2,3 tỷ đồng, xã sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc