Khởi nghiệp từ nghề trồng nấm
Nhờ trồng nấm mà nhiều phụ nữ ở huyện Krông Ana đã có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Một trong những người thành công trong nghề trồng nấm với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm là bà Đinh Thị Dành (Tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp). Gia đình bà Dành từng có nguồn thu nhập chính từ việc trồng cà phê, nhưng do giá cả bấp bênh nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại nấm, nhận thấy khí hậu ở Krông Ana khá mát mẻ thích hợp để trồng nấm, năm 2012, bà Dành đã quyết định đầu tư vốn xây dựng khu nhà trại rộng 50 m2, trồng gần 6.000 bịch nấm linh chi. Ban đầu do chưa nắm vững kỹ thuật nên lứa nấm đầu tiên bị hư hỏng toàn bộ, khiến bà trắng tay. Không nản chí, bà tiếp tục tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng nấm trên mạng Internet và những người đi trước để nấm phát triển tốt.
Bà Đinh Thị Dành (Tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) phơi nấm linh chi. |
Theo bà Dành, nấm linh chi chỉ trồng được một lần trong năm. Vì loại nấm này không chịu được lạnh nên thời gian trồng thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 7, sau 3 tháng là có thể thu hoạch. Để nấm không bị bệnh và đạt năng suất cao thì trước khi gieo trồng nhà trại phải được khử trùng và khâu ủ mùn cưa cũng phải đúng cách mới có thể xử lý sạch hoàn toàn mầm bệnh. Hiện bà Dành đã mở rộng diện tích trồng nấm linh chi lên 150 m2, mỗi năm thu được từ 3 - 4 tạ nấm khô. Với giá bán 800.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, bà thu lãi hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh trồng nấm linh chi, bà Dành còn trồng thêm 5.000 bịch nấm bào ngư và đầu tư xây dựng trại cấy giống để chủ động về nguồn giống. Ngoài ra, sau khi thu hoạch xong nấm linh chi và bào ngư, bà Dành đã xử lý lại nguồn mùn cưa để trồng nấm sò vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu lại có thêm nguồn thu.
Trại nấm của gia đình chị H’Ghét Ênuôl (buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). |
Tương tự như bà Dành, chị H’Ghét Ênuôl (buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp) cũng đã có thu nhập ổn định từ nghề trồng nấm. Trước đây vì không có đất sản xuất, vợ chồng chị H’Ghét phải làm thuê kiếm sống nên luôn rơi vào cảnh “bữa đói bữa no”. Thấy nghề trồng nấm cần ít vốn nhưng hiệu quả cao, tháng 3-2016, chị H’Ghét tìm đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana xin học. Sau khi học xong, chị được Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ vật liệu làm nhà trại và nguyên liệu làm nấm sò trên diện tích rộng 42 m2. Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc nên nấm phát triển tốt, chỉ hơn 1 tháng đã cho thu hoạch. Lứa đầu tiên chị thu được 1 tạ nấm, bán với giá 25.000 đồng/kg, thu lãi hơn 2 triệu đồng.
Nghề trồng nấm chủ yếu làm việc trong râm mát, có nhiều công đoạn như xử lý mùn cưa, đóng bịch, chăm sóc, thu hái… đòi hỏi người làm phải cẩn thận, chịu khó và khéo léo nên khá phù hợp với phụ nữ. |
Tích lũy vốn, chị H’Ghét tiếp tục mở rộng quy mô trồng nấm lên 100 m2 với hơn 7.000 bịch nấm, trung bình mỗi tháng xuất ra thị trường 3 tạ, sau khi trừ chi phí cho thu lãi khoảng 4 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn trồng thêm nấm mèo và nấm linh chi để tăng thêm thu nhập. Theo chị, chu kỳ sản xuất nấm ngắn nhưng lại có thể thu hoạch được nhiều đợt nên có việc làm thường xuyên, thu nhập đều đặn.
Nhằm tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất lao động nữ, cũng như giúp cho việc sản xuất và tiêu thụ nấm của người dân trên địa bàn huyện thuận lợi hơn, năm 2017, bà Đinh Thị Danh (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana) đã đứng ra tập hợp những người trồng nấm để thành lập Hợp tác xã Nấm Linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana (HTX) với 10 xã viên. Tham gia HTX, các xã viên được hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao tay nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện HTX đang tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 13 lao động nữ thời vụ tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Lan (xã Quảng Điền) làm công việc đóng bịch nấm tại HTX kể rằng, chị từng làm thợ may gia công nhưng thu nhập tùy thuộc vào đơn hàng nên rất bấp bênh. Từ khi xin vào làm cho HTX thì có nguồn thu nhập ổn định hơn. Trung bình mỗi ngày, chị đóng từ 600 - 700 bịch nấm, được trả công khoảng 200.000 đồng. Hiện chị cũng đang xây nhà trại để trồng nấm bào ngư. Từ thực tế đó có thể thấy, nghề trồng nấm không chỉ giúp nhiều chị em phụ nữ có việc làm, tăng thu nhập mà còn có thể vươn lên thoát nghèo.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc