Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao đời sống của người dân từ việc trồng cây ăn quả

07:48, 04/09/2018

Nhận thấy được thế mạnh phát triển cây ăn quả ở địa phương, năm 2013, cùng với huyện Buôn Đôn, xã Krông Na đã đưa Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại vào thực tiễn, trong quá trình chuyển đổi, ưu tiên công tác cải tạo vườn tạp để góp phần giúp người dân cải thiện đời sống.

Đến nay, xã có hơn 30 ha diện tích đất vườn tạp được cải tạo, những loại cây có giá trị kinh tế cao như: xoài, bưởi da xanh, chanh không hạt, quýt... được trồng xen tạo thu nhập quanh năm, thay thế cho các loại cây sắn, bắp... chỉ thu hoạch 1-2 vụ/năm, kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Bé Tư bên vườn quýt đang bắt đầu thu hoạch ở thôn Thống Nhất.
Ông Nguyễn Văn Bé Tư bên vườn quýt đang bắt đầu thu hoạch ở thôn Thống Nhất.

Đơn cử gia đình ông Nguyễn Văn Bé Tư từ Bến Tre chuyển đến thôn Thống Nhất năm 2001 làm thuê, đến năm 2009 ông mua được mảnh vườn 1 ha để trồng bắp, số tiền thu hoạch hằng năm không đủ để trang trải cho sinh hoạt của gia đình. Năm 2016, ông cùng với vợ vay nguồn vốn hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Krông Na và bạn bè, mạnh dạn trồng 1.000 gốc quýt, 100 gốc cam với tổng số tiền đầu tư gần 300 triệu đồng. Sau một năm, vườn quýt bắt đầu hái bói hơn 5 tấn, thu về khoảng 50 triệu đồng. “Năm nay chỉ mới bước vào đầu mùa, tôi đã thu hoạch được hơn 4 tấn, tiểu thương vào mua tại vườn giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Dự kiến đến hết mùa, gia đình tôi có thể thu về khoảng 8-9 tấn quýt với mức bán thấp nhất 15.000 đồng/kg, gia đình tôi đã có khoảng thu gần 350 triệu đồng”, ông Tư hồ hởi cho biết. 

Ông  Vũ Đình Sơn  ở buôn  Ea Mar  giới thiệu vườn chanh cho cán bộ  Trạm Khuyến nông xã Krông Na.
Ông Vũ Đình Sơn ở buôn Ea Mar giới thiệu vườn chanh cho cán bộ Trạm Khuyến nông xã Krông Na.
 
“UBND xã đặc biệt coi trọng công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân; liên kết với khuyến nông các cấp bám sát, nắm bắt tình hình và tổ chức tập huấn kỹ thuật theo nguyện vọng của nông dân; ngoài hỗ trợ theo chương trình 102, xã còn vận dụng các chính sách về cây giống, vật tư, phân bón tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con nông dân có thể mở rộng diện tích sản xuất”.
 
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na

Còn gia đình ông Vũ Đình Sơn ở buôn Ea Mar có gần 2 ha diện tích đất đồi, nhưng chủ yếu đất cát bạc màu. Trước đây, ông trồng sắn và bắp, thu hoạch cao nhất cũng chỉ hơn 70 triệu. Năm 2013, thực hiện chủ trương của UBND xã về chuyển đổi cây trồng, ông Sơn sắp xếp từng nguồn vốn nhỏ đầu tư và bố trí từng khu vực phù hợp để trồng mỗi loại cây khác nhau. Hiện nay vườn của ông Sơn có khoảng 200 cây chanh, 100 cây mãng cầu na, 100 cây ổi, 70 cây bưởi da xanh, 50 cây hồng xiêm (sapoche) và hơn 200 cây thanh long, nhãn, mít thái siêu sớm, quýt... Chỉ tính riêng 200 gốc chanh, trung bình mỗi năm cho thu hoạch 3 tấn, giá bán chanh tại nhà dao động từ 6.000-15.000 đồng/kg đã cho gia đình ông một khoảng thu nhập hơn 30 triêu đồng/năm. Nhờ biết khai thác được ưu thế đất vườn đồi mà kinh tế gia đình ông Sơn được cải thiện, nuôi 3 đứa con lên đại học và có nguồn thu nhập liên tục vào các thời điểm khác nhau trong năm.

Tuy bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực, song thực tế việc cải tạo vườn tạp ở xã Krông Na cũng còn tồn tại những khó khăn như: việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái từ giá cả đến phương thức mua trải dài, nhỏ giọt dẫn đến tình trạng “trái chín đợi ngày mua” làm hao mòn; điều kiện kinh tế của một số nông hộ còn khó khăn nên muốn đầu tư theo đúng quy trình nhưng “lực” hạn hẹp; nhiều diện tích đất vườn đồi bị xói mòn, rửa trôi, khó áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác... Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, xã cũng đã kiến nghị với các cấp, ngành tiếp tục đầu tư nguồn vốn để các hộ khó khăn có cơ hội mở rộng diện tích, mở rộng sản xuất; đồng thời để chủ động ứng phó nguy cơ “vỡ trận” đầu ra nên tìm mối liên kết với các doanh nghiệp, phát triển các mô hình cây ăn trái theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng giá trị nông sản cho chính người dân...

Hoàng Ân – H’ Diệu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.