Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Xuân Phú gặp khó vì hồ tiêu

07:27, 24/09/2018

Xuân Phú (huyện Ea Kar) là xã thuần nông nên cây hồ tiêu trở thành một trong những cây trồng chính được người dân địa phương lựa chọn để sản xuất. Tuy nhiên, thời gian gần đây dịch bệnh hoành hành, giá lại giảm khiến nhiều gia đình trồng tiêu lâm vào cảnh nợ nần.

Vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 giá hồ tiêu tăng đột biến (cao nhất lên đến 200.000 đồng/kg) nên một số địa phương chuyển đổi cơ cấu sang trồng hồ tiêu với tính toán, chỉ cần thu vài năm là hòa vốn, sau đó thu 3 - 4 vụ là lãi lớn. Tuy nhiên, hiện tại thay vì thu lãi, người dân xã Xuân Phú phải gồng mình gánh nợ do hồ tiêu bị dịch bệnh tấn công. Ông Phạm Xuân Hành (thôn 3) cho biết, trước năm 2016, gia đình có hơn 3,5 ha hồ tiêu, được đầu tư và mở rộng theo từng năm với hệ thống ao tích nước, nhà kho, giếng khoan đầy đủ với kỳ vọng hồ tiêu sẽ đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình trong tương lai.

Một vườn tiêu bị chết trắng ở thôn 6, xã Xuân Phú.
Một vườn tiêu bị chết trắng ở thôn 6, xã Xuân Phú.

Tuy nhiên, số diện tích đó gần như đã bị “xóa sổ” hoàn toàn, chỉ còn hơn 1 ha tiêu trồng năm 2017 mà thôi. Để có kinh phí tái thiết sản xuất, ngoài vay mượn người thân thì ông còn phải vay vốn ngân hàng để tái đầu tư cà phê, bưởi, cam… trên vườn cây. Nợ mới chồng nợ cũ lên đến hơn 500 triệu đồng nên hiện tại gia đình phải chuyển hướng sang trồng bắp, đậu để nuôi cây công nghiệp dài ngày mới xuống giống. Tương tự, gia đình ông Phạm Xuân Đệ (thôn 6) từng có vườn tiêu gần 1 ha. Trước khi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 12 diễn ra vào cuối năm 2017, vườn hồ tiêu của gia đình ông sinh trưởng rất tốt, thu bình quân 4 - 5 kg hạt tiêu/trụ. Tuy nhiên, sau hoàn lưu của bão số 12, vườn tiêu trở nên tiều tụy, xơ xác, trái rụng, một số trụ tiêu bị gãy đổ ngổn ngang… Số diện tích hồ tiêu trên là nguồn thu chính nên gia đình đã nỗ lực vệ sinh vườn cây, chăm bón hợp lý, đặc biệt là chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng tiêu vẫn cứ chết dần. Hiện tại vườn chỉ còn khoảng trên 10 trụ sót lại, nhưng rất èo uột. Đa phần trụ tiêu được xây bằng gạch rất kỳ công, trong khi đó việc tái canh hồ tiêu trên diện tích cũ quá khó khăn khi cây bén rễ, lên được nửa trụ hoặc phủ trụ lại bị bệnh và chết dần khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê của UBND xã Xuân Phú, năm 2016, toàn xã có gần 1.000 ha hồ tiêu, nhưng nay chỉ còn khoảng 480 ha, tập trung ở các thôn 7, thôn 4, thôn 3… Ông Đào Đức Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương đã phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, nhưng không mấy hiệu quả. Ước tính, trong tổng số 1.000 hộ dân đã và đang trồng tiêu thì có đến 90% phải vay vốn, với tổng dư nợ khoảng 300 tỷ đồng. Đây là một khoản nợ lớn đối với bà con nông dân nên xã đã có kiến nghị với các cấp cho phép người dân hoãn thời gian trả nợ cũng như có chính sách hỗ trợ nhất định để bà con tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

Theo thống kê của UBND xã, dư nợ bình quân của mỗi hộ trồng tiêu hiện từ 200 đến 300 triệu đồng. Trước khó khăn trên, một số người dân đã phải đi làm ăn xa để có tiền trang trải cuộc sống cũng như trả nợ ngân hàng.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.