Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Ea Phê

08:14, 21/09/2018

Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những phong trào thi đua được Hội Nông dân xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) chú trọng triển khai và thực hiện có hiệu quả.

Ông Vũ Ngọc Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Phê cho biết, Hội hiện có 1.541 hội viên, sinh hoạt ở 32 chi hội thôn, buôn. Trong 5 năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và xóa đói giảm nghèo” gắn với xây dựng nông thôn mới đã được Hội Nông dân xã phát động đến 100% cơ sở hội trên địa bàn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội đã tập trung hỗ trợ về giống, vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật để giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với hội viên nông dân, tính đến nay tổng dư nợ Hội đang quản lý gần 6,5 tỷ đồng cho 380 hộ vay. Ngoài ra, với phương châm “Nông dân giúp nông dân”, Hội còn xây dựng nguồn quỹ trên 700 triệu đồng, giúp 90 hội viên khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất.

Chị Đào Thị Luyến (thôn Phước Thọ 5) giới thiệu mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Đào Thị Luyến (thôn Phước Thọ 5) giới thiệu mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân xã, nhiều nông dân đã vượt khó vươn lên làm giàu. Điển hình là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của chị Đào Thị Luyến (thôn Phước Thọ 5). Trước đây, chị Luyến cũng phát triển nhiều mô hình như nuôi gà, heo… nhưng thấy giá cả bấp bênh lại dịch bệnh nhiều, không khả quan nên chị tạm dừng. Năm 2012, nhờ nguồn vốn vay từ quỹ Hội và được tư vấn kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng qua các buổi tập huấn, chị mạnh dạn nuôi thử nghiệm 10 con dê giống Bách Thảo. Sau 5 tháng chăm sóc, lứa dê đầu tiên xuất chuồng khỏe mạnh giúp chị có động lực để nhân giống mở rộng đàn, đến nay đã tăng lên 60 con dê giống Bách Thảo và dê Boer đầu socola. Từ kinh nghiệm thực tế chăn nuôi, chị Luyến cho biết, nuôi dê nhốt chuồng có vốn đầu tư ít, nguồn thức ăn của dê rất dễ kiếm, chủ yếu là các loại lá cây, có thể tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình nên hiệu quả kinh tế khá cao. Một con dê cái sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa 2-3 con, dê con nuôi khoảng 5-6 tháng có thể xuất chuồng với trọng lượng 25-30 kg/con. Hiện mỗi năm chị xuất bán khoảng 80 con dê, với mức giá dao động 80.000-100.000/kg, đem lại lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Từ nguồn phế phẩm chăn nuôi, chị còn tận dụng để ủ phân hữu cơ bón cho 7 sào cà phê, tiết kiệm một khoản chi phí.

Hay như mô hình trồng cà tím Nhật của anh Lưu Văn Bình (thôn Phước Trạch 2). Năm 2017, vườn tiêu của gia đình anh bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, băn khoăn chưa biết trồng loại cây nào thay thế thì anh được Hội nông dân xã tư vấn kỹ thuật cải tạo lại đất và trồng cây cà tím Nhật. Trên diện tích 6 sào, anh trồng 5.000 cây cà tím, sau khi trồng 45 ngày cà bắt đầu cho thu hoạch kéo dài 4 tháng sau đó. Với đầu ra ổn định nhờ được một hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, anh Bình có nguồn thu trên 100 triệu đồng/vụ.

Anh Lưu Văn Bình (thôn Phước Trạch 5) đang chăm sóc vườn cà tím.
Anh Lưu Văn Bình (thôn Phước Trạch 5) đang chăm sóc vườn cà tím.

Đến nay, toàn xã Ea Phê đã có 2.548 hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Để đẩy mạnh phong trào, hằng năm Hội Nông dân xã đều phối hợp tổ chức 8-10 lớp khuyến nông, qua đó giúp hội viên trang bị thêm kiến thức, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đời sống được nâng lên, hội viên nông dân cũng đã hưởng ứng các hoạt động, phong trào do Hội nông dân xã và địa phương phát động.

Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, trong 9 tháng đầu năm 2018, hội viên nông dân xã Ea Phê đã đóng góp hơn 400 ngày công lao động và 3,4 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn, đổ bê tông 8.848 m đường ngõ xóm, 3.000 m đường liên thôn.

 

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.