Tổ chức cuộc thi Cà phê đặc sản - Tại sao không?
Gia tăng giá trị cà phê từ chất lượng thông qua việc tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản là một giải pháp ít tốn kém lại phát huy được lợi thế vùng nguyên liệu dồi dào đang được ngành cà phê tính đến.
Tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản là một trong những nội dung chính, quan trọng được đưa ra và thảo luận sôi nổi tại “Hội thảo Cà phê Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột: Tiềm năng tham gia thị trường cà phê đặc sản” được tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua. Theo Dự thảo kế hoạch chờ UBND tỉnh phê duyệt, mục tiêu của cuộc thi là phát hiện và tôn vinh những lô cà phê và người sản xuất cà phê đạt chất lượng cao. Đồng thời, kết nối trực tiếp nhà rang xay với người sản xuất cà phê đặc sản nhằm nâng cao giá trị cà phê chất lượng cao và nâng cao nhận thức, văn hóa tiêu dùng cà phê đặc sản. Việc đánh giá chất lượng cà phê sẽ tuân thủ theo quy trình và tiêu chuẩn quốc tế với sự tham gia của giám khảo trong nước và quốc tế. Toàn bộ tiến trình và kết quả cuộc thi sẽ được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kết nối thị trường, thương mại các sản phẩm đã được chứng nhận cà phê đặc sản thông qua cuộc thi. Tất cả các doanh nghiệp, hộ nông dân, cá nhân sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê nhân Robusta, Arabica đều có thể tham gia.
Các chuyên gia thử nếm cà phê trong Cuộc thi The Cupping cà phê Robusta đặc sản do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức. |
Về cơ bản, cuộc thi sẽ có 2 vòng: sơ khảo từ 2 đến 3 ngày (tùy vào số lượng mẫu cà phê tham dự), dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 2-2019; vòng chung kết diễn ra vào đầu tháng 3-2019. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố và trao chứng nhận cho cơ sở sản xuất bên thềm Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VII, năm 2019; đồng thời trưng bày sản phẩm đoạt giải tại Hội chợ, triển lãm để công chúng thử nếm và có thể mua sản phẩm đoạt giải. Hội đồng giám khảo sẽ có 5 chuyên gia trong nước ở vòng thi chung khảo; 2 chuyên gia nước ngoài, 3 chuyên gia trong nước đối với vòng thi chung kết.
Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ cần phải tổ chức cuộc thi cà phê đặc sản bởi nhu cầu sử dụng sản phẩm cà phê chất lượng cao đang ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu thưởng thức cà phê đặc sản ở các thị trường cao cấp khó tính như Mỹ, Úc, Ý… Trong khi đó, Việt Nam lại là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì thế giới và đứng thứ nhất về cà phê Robusta. Đặc biệt, các vùng trồng cà phê ở Việt Nam có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên tiềm năng phát triển cà phê đặc sản rất lớn. Ông Lê Trung Hưng, một chuyên gia thử nếm cà phê cho rằng, sự khác biệt của từng loại giống, vùng đất, độ cao, vị trí địa lý mà hương vị cà phê có những nét đặc trưng khác biệt riêng. Đặc biệt, cách lựa chọn phương pháp sơ chế, chế biến, bảo quản cà phê theo mỗi cách khác nhau tiếp tục tạo nên những hương vị mới cho mỗi sản phẩm cà phê thành phẩm. Vì vậy, đây không chỉ là cách quảng bá cà phê mà còn là sự định hướng của Nhà nước để nông dân - người trực tiếp tạo ra sản phẩm cà phê - có cách sản xuất đúng hướng, có trách nhiệm và gây dựng uy tín của mình thông qua sản phẩm cà phê đặc sản.
Thử nếm cà phê là một trong những khâu quan trọng đánh giá chất lượng cà phê. (Ảnh minh họa) |
Lợi ích từ cuộc thi mang lại rất lớn và tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã tổ chức các cuộc thi chất lượng nông sản tương tự. Bản thân cà phê Việt Nam cũng hội tụ những điều kiện nhất định từ số lượng, chất lượng, chủng loại giống, cách thức sản xuất, chế biến… Tuy nhiên, để có thể tổ chức thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước bởi cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam và liên đới đến nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Mặt khác, đối tượng tham dự cũng đa dạng với nhiều cá nhân, tập thể đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Hơn thế, sự hỗ trợ của Nhà nước còn để bảo đảm sự công bằng, minh bạch cũng như tạo sự lan tỏa của nó. Nếu tổ chức thành công thì đây sẽ là cuộc thi về cà phê đặc sản đầu tiên của Việt Nam, đem đến niềm hy vọng về một hướng phát triển mới cho ngành Cà phê.
Trong hai niên vụ 2015-2016, 2016-2017, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã lấy 130 mẫu cà phê tại các vùng nguyên liệu mang Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột để đánh giá chất lượng. Kết quả có thấy có hơn 10% số mẫu đánh giá đạt 80 điểm trở lên theo thang điểm đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới. Kết quả thử nếm nói trên do các chuyên gia trong nước được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế đánh giá. |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc