Multimedia Đọc Báo in

Vươn lên phát triển kinh tế nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

09:32, 13/09/2018

Trong những năm gần đây, bà con nông dân người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cư M’gar đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình; từ đó nhiều hộ không những thoát được nghèo mà còn vươn lên khá, giàu.

Sự thay đổi theo chiều hướng tích cực đó có thể thấy rõ ở gia đình ông Y Mer Êban ở buôn Sút M’drang (xã Cư Suê). Trước đây, trên 1,2 ha đất canh tác của gia đình, ông Y Mer chỉ trồng độc canh cây cà phê, năng suất đạt thấp nên sau khi trừ hết các chi phí đầu tư, chăm sóc thì thu nhập còn lại không đáng kể. Nhận thấy trồng độc canh một loại cây không mang lại hiệu quả, năm 2003 sau quá trình tích lũy kinh nghiệm, tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, ông Y Mer đã mạnh dạn đưa cây hồ tiêu vào trồng xen trong vườn cà phê nhằm tạo sự đa dạng cây trồng, tránh rủi ro về giá cả, đồng thời tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Những cây cà phê thoái hóa, già cỗi cho năng suất thấp thì ông chặt bỏ để chuyển sang trồng hồ tiêu hoặc tái canh bằng phương pháp ghép chồi để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng…

Đưa cây hồ tiêu vào trồng xen trong vườn cà phê đã giúp gia đình ông Y Mer Êban nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Đưa cây hồ tiêu vào trồng xen trong vườn cà phê đã giúp gia đình ông Y Mer Êban nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Hiện nay, gia đình ông Y Mer đã có 1.200 trụ tiêu trồng trong vườn cà phê, bình quân mỗi năm thu được 5 tấn tiêu. Thu nhập đã nâng lên đáng kể trong khi chi phí đầu tư, chăm sóc chủ yếu được tận dụng từ cây trồng chính. Đối với cây cà phê, nhờ chăm sóc  theo đúng quy trình kỹ thuật, dù số cây cà phê còn lại không nhiều nhưng mỗi năm gia đình vẫn thu được 1,5 - 2 tấn. Sau khi trừ chi phí đầu tư, hiện gia đình ông Y Mer có lãi từ 300 - 500 triệu đồng/năm…

Hằng năm, huyện Cư M’gar có 9.510/18.000 hộ nông dân đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó số lượng các hộ dân tộc thiểu số đạt danh hiệu này ngày càng tăng.

Hay gia đình ông Y Ngăm Êban ở buôn Cuôr Đăng B (xã Cuôr Đăng) đã nâng cao thu nhập đáng kể nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sau các lớp tập huấn và tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thực tế ở địa phương khác. Nếu như trước đây trên 6 sào cà phê của gia đình, mỗi năm ông Y Ngăm chỉ thu được hơn 1 tấn thì nay đã tăng lên 1,5 - 2 tấn. Làm ăn hiệu quả, ông tiếp tục mua thêm đất mở rộng quy mô sản xuất, đến nay gia đình ông đã có 3,7 ha cà phê trồng xen hơn 200 trụ tiêu (trong đó có 150 trụ tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh)... Đặc biệt, tận dụng lợi thế đất vườn rộng, ông còn làm chuồng chăn nuôi 5 con bò, 3 con heo. Nhờ tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tuân thủ các quy trình sản xuất nên đàn vật nuôi của gia đình ông không bị dịch bệnh và cho thu nhập khá, nâng tổng thu nhập của gia đình mỗi năm đạt từ 250 – 300 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư...

Trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê đã giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cư M’gar nâng cao thu nhập.
Trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê đã giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cư M’gar nâng cao thu nhập.

Theo thống kê, toàn huyện Cư M’gar hiện có khoảng 17.046 hộ với hơn 85.000 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số sinh sống tại 17 xã, thị trấn, trong đó tập trung chủ yếu ở 73 buôn. Để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ phương thức làm ăn lạc hậu, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con cải tạo vườn tạp; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế. Nhờ vậy, đến nay nhiều hộ đã có thay đổi cách thức làm ăn: từ trồng cây ngắn ngày thu nhập thấp sang trồng cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả...; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi… Đặc biệt, ngoài phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nhiều hộ đã biết kinh doanh buôn bán, mở quầy hàng tạp hóa, thành lập tổ hợp tác sản xuất để tăng thu nhập... Nhờ vậy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng ổn định và nâng cao. Không ít gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành những hộ có kinh tế khá, giàu ở địa phương, đặc biệt nhiều hộ có thu nhập đạt vài tỷ đồng mỗi năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 9,48%.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.