Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng Ea Tul thành xã nông thôn mới kiểu mẫu

08:25, 27/09/2018

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Cư M’gar có 6/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Quảng Tiến, Ea Kpam, Ea Tul, Cuôr Đăng, Ea M’nang và Quảng Hiệp), dự kiến đến cuối năm 2018 có thêm 4 xã đạt chuẩn (Ea Tar, Ea Kiết, Cư Suê, Cư Dliê M’nông).

Sau khi "cán đích", nhiều địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch, giải pháp để giữ vững các tiêu chí, đồng thời tiến tới xây dựng xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Nguyễn Văn Minh, với các xã  đạt chuẩn NTM, huyện yêu cầu tập trung rà soát, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Trong đó, ưu tiên nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; thực hiện hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ... Mới đây, UBND huyện cử đoàn cán bộ thuộc 6 xã đạt chuẩn NTM đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hà Tĩnh. Trước mắt, huyện khuyến khích 2 xã Ea Tul và Quảng Tiến triển khai làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, sau đó sẽ nhân rộng tại các địa phương khác.

Anh Y Yô Ajun (buôn Sah B, xã Ea Tul) đã xây dựng được mô hình kinh tế đa cây, đa con mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Y Yô Ajun (buôn Sah B, xã Ea Tul) đã xây dựng được mô hình kinh tế đa cây, đa con mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
“Thời gian tới, xã sẽ vận động người dân xây dựng vườn, thôn kiểu mẫu; trong đó tập trung chỉnh trang lại nhà cửa, vườn tược, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, giữ gìn cảnh quan môi trường đường làng, ngõ xóm ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; đồng thời, tiếp tục huy động người dân tham gia hiến đất, đóng góp ngày công lao động xây dựng thêm nhiều tuyến đường kiểu mẫu khác”.
 
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Tul Bùi Trọng Nghĩa

Xã Ea Tul có 2.356 hộ, gần 12.000 khẩu,  trong đó, đồng bào dân tộc Êđê chiếm trên 98%. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các loại cây công nghiệp lâu năm như: cà phê, cao su, hồ tiêu... Cách đây hơn 6 năm, khi bắt tay vào chương trình xây dựng NTM, xã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: xuất phát điểm thấp (đạt 9/19 tiêu chí), trình độ nhận thức và canh tác của người dân còn lạc hậu. Từ năm 2011 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 9,3 tỷ đồng. Từ đó đã bê tông hóa và thảm nhựa 30 km đường, xây dựng trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, sân thể thao. Ngoài ra, nhân dân đóng góp hơn 12.000 ngày công lao động, tự nguyện tháo gỡ công trình, chặt bỏ hàng trăm cây cà phê, cây ăn trái, hiến 8.000 m2 đất để mở đường, xây dựng công trình công cộng. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, các tuyến đường trục chính của xã, đường làng ngõ xóm được cứng hóa trên 70%, giúp người dân đi lại thuận lợi; đời sống và chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện… Năm 2017, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.

Anh Y Yô Ajun (50 tuổi, trú tại buôn Sah B) - một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng NTM ở địa phương chia sẻ: “Bà con nông dân trong xã đã biết áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, phá thế độc canh, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất, thực hiện sản xuất chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con rất phấn khởi khi xã đạt chuẩn NTM và bảo nhau phải góp sức để xây dựng xã nhà ngày càng phát triển hơn”. Anh Y Tiếp Niê, Bí thư Chi bộ buôn Sah B cũng phấn khởi cho biết, nhiều năm qua trong buôn, trong xã không xảy ra những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, cuộc sống của người dân ngày càng văn minh, bình yên, bà con lối xóm luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau...

Người dân buôn Brah, xã Ea Tul dọn  vệ sinh đường làng  ngõ xóm.
Người dân buôn Brah, xã Ea Tul dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm.

Hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu, xã đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế nông thôn đa ngành nghề, chú trọng duy trì ngành nghề truyền thống, hiện đã thành lập Hợp tác xã thổ cẩm với sự tham gia của 23 thành viên. Xã cũng  được đánh giá cao trong xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn khi cả 12 buôn, 1 thôn đều xây dựng quy ước, hương ước gắn với các mục tiêu xây dựng NTM, nếp sống văn minh.

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.