Multimedia Đọc Báo in

Các trang trại chăn nuôi chủ động ứng phó với bệnh dịch tả heo Châu Phi

07:20, 01/10/2018

Bệnh dịch tả heo Châu Phi bùng phát ở Trung Quốc đang dấy lên mối lo lắng cho người chăn nuôi trên địa bàn Đắk Lắk. Hiện các chủ trang trại đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ đàn heo nếu có dịch xảy ra.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có trên 734.000 con heo, trong đó số lượng heo trong trang trại chiếm 21% tổng đàn, với 257 trang trại. Chăn nuôi heo đang dần phục hồi sau cơn “bão giá” nên người chăn nuôi rất lo lắng trước thông tin bệnh dịch tả heo Châu Phi đang bùng phát trên thế giới, nhất là ở nước láng giềng Trung Quốc. Anh Lê Duy Mến, chủ trang trại nuôi heo nái ở thôn 12, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, hiện trang trại có 110 con nái và 370 heo con, khi nghe được thông tin về bệnh dịch tả heo Châu Phi trên các phương tiện truyền thông, gia đình lo lắng vô cùng vì trang trại mới phục hồi sau đợt heo giảm giá sâu, chăn nuôi mới bắt đầu ổn định, nếu để dịch bệnh xảy ra thì toàn bộ tài sản của gia đình cũng mất luôn. Chính vì vậy, anh đã tìm hiểu kỹ về bệnh dịch tả này, cũng như cách phòng bệnh để áp dụng vào trang trại. Hằng ngày anh xịt thuốc tiêu độc khử trùng, hạn chế tối đa người ra, vào khu vực trang trại, theo dõi sát tình hình sức khỏe của đàn heo…

Nhân viên trang trại heo của hộ anh Lê Duy Mến, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc sức khỏe  cho heo con.
Nhân viên trang trại heo của hộ anh Lê Duy Mến, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc sức khỏe cho heo con.

Cùng tâm trạng đó, ông Nguyễn Văn Bình - chủ trang trại heo ở thôn Nam Hòa, xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) chia sẻ, do quy mô trang trại khá lớn, với 1.000 heo thịt và 142 heo nái nên khi nghe thông tin về bệnh dịch tả heo Châu Phi ông rất lo lắng. Do đó, ông thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa, ngoài việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng hằng ngày, người ra,  vào trang trại cũng phải đi qua cổng sát trùng, đồng thời phải tắm rửa, thay đồ mới được vào khu vực chăn nuôi. Việc bán heo con ra ngoài cũng được tạm dừng để hạn chế người ngoài vào trang trại.

Hiện trên địa bàn huyện Cư Kuin có 35 trang trại chăn heo, chủ yếu là trại gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Sau khi có thông tin về bệnh dịch tả heo Châu Phi, các trang trại này đều được phía công ty hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát an toàn sinh học giúp khống chế dịch bệnh xâm nhiễm vào trang trại. Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, nhận thức được mức độ nguy hiểm và lây lan của dịch này, ban lãnh đạo công ty và toàn thể cán bộ cùng nhau đưa ra nhiều biện pháp cho hệ thống trang trại heo của công ty. Phía công ty cũng đã mời những chuyên gia có hiểu biết sâu về bệnh dịch tả heo châu Phi về phổ biến cho mọi cán bộ công nhân viên trong công ty hiểu về căn bệnh này, đồng thời tăng cường sát trùng chuồng trại, in các poster phát cho các trang trại và hướng dẫn cho người nông dân cách phòng dịch bệnh tả heo Châu Phi… Và để việc ngăn chặn dịch bệnh này một cách hiệu quả, thì phải có sự vào cuộc quyết liệt và đồng lòng của các ban ngành, cơ quan truyền thông báo chí và cả doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút dịch tả heo Châu Phi vào địa bàn tỉnh, ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, buôn bán heo và các sản phẩm của heo nhập lậu thì Chi cục cũng yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y ở các huyện, thị xã, thành phố kịp thời phổ biến các văn bản liên quan đến dịch tả heo Châu Phi, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi, đặc biệt là các trang trại những biện pháp phòng ngừa. Trong đó, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất. Nhìn chung, các trang trại đều chủ động thực hiện rất tốt để bảo vệ tài sản của gia đình.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam, bệnh dịch tả heo Châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của vi rút này cao hơn nhiều so với vi rút heo tai xanh (trong thịt đông lạnh vô thời hạn; trong sản phẩm mỡ khô 1 năm; trong máu, thịt muối, xúc xích, nội tạng 3 tháng; trong phân, đất hơn 1 tuần). Bản thân vi rút này lây lan rất chậm trong cùng trại chăn nuôi, nhưng nếu đã mắc bệnh, heo sẽ chết gần như 100%.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.