Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tạo động lực phát triển kinh tế

09:21, 23/10/2018

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện Buôn Đôn đặc biệt quan tâm, góp phần tạo động lực cho nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình ông Trương Khắc Mận ở thôn Thống Nhất, xã Krông Na, chúng tôi phần nào hình dung được hiệu quả từ những lớp dạy nghề mà Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Buôn Đôn đã mở. Với quy mô chuồng trại chứa gần 500 con gà lai chọi và 50 con heo lai, mỗi năm gia đình ông Mận thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng. Để chủ động giống, ông còn đầu tư lò để tự ấp trứng gà tại nhà. Ông Mận tâm sự: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện khó khăn, 2 vợ chồng đi làm thuê để trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi các con ăn học nên lúc nào cũng thiếu thốn. Từ năm 2015, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi gà và heo do Trung tâm GDNN – GDTX huyện tổ chức, tôi đã áp dụng ngay kiến thức vào chăn nuôi tại gia đình. Không chỉ có nhà tôi mà nhiều gia đình khác ở địa phương cũng có cuộc sống khá hơn nhờ được đào tạo nghề.”

Mô hình trồng bầu, bí của gia đình ông Nguyễn Duy Phóng ở thôn 1, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn.
Mô hình trồng bầu, bí của gia đình ông Nguyễn Duy Phóng ở thôn 1, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn.
 
"Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, người nông dân đã dần thay đổi nhận thức, từ thói quen sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, giờ đây nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh".
 
Ông Y Sê Êban, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện Buôn Đôn

Ông Nguyễn Duy Phóng ở thôn 1, xã Ea Huar cũng đã nâng cao hiệu quả trồng trọt kể từ khi được Trung tâm GDNN - GDTX huyện Buôn Đôn tập huấn, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ông Phóng chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi trồng bầu, bí và một số loại cây trồng khác nhưng thiếu sự chăm sóc, phần lớn là để cây tự lớn nên hiệu quả không cao. Từ lúc được tập huấn về kỹ thuật cây trồng, tôi mới biết cách đầu tư chăm sóc để cây mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Không chỉ có ông Mận, ông Phóng mà nhiều người dân ở huyện Buôn Đôn đã phát huy nghề đã được học, từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Buôn Đôn Phan Tiến Đức cho hay, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã mở được 21 lớp đào tạo nghề cho hơn 700 lao động nông thôn, gồm các nghề xây dựng dân dụng, may dân dụng, trồng và chăm sóc cây cà phê, cây tiêu, cây điều, chăn nuôi bò, gà, heo... Phần lớn, các học viên sau khi học nghề đều có việc làm ổn định, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả.

Cùng với công tác dạy nghề, huyện Buôn Đôn còn tổ chức các hội nghị tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người dân trên địa bàn; tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền vận động người dân cho con em theo học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong và ngoài tỉnh… Qua đó giúp lực lượng lao động tại địa phương có thêm kiến thức, tay nghề để phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi heo lai của gia đình ông Trương Khắc Mận ở thôn Thống Nhất, xã Krông Na mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi heo lai của gia đình ông Trương Khắc Mận ở thôn Thống Nhất, xã Krông Na mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế cho thấy việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Buôn Đôn đã và đang phát huy hiệu quả, giúp người dân có được "cần câu" để phát triển kinh tế gia đình. Ông Phan Tiến Đức cho biết thêm: Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện Buôn Đôn có 1.389 người tham gia học nghề, đạt 77,1% kế hoạch, trong đó có 1.226 lao động học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề, truyền nghề; 163 lao động học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTG ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Huyện Buôn Đôn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông thôn, trong đó chú trọng mở các ngành nghề mới, phù hợp với điều kiện phát triển của huyện để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.