Đồng hành cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế
Nhờ đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, Hội Nông dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đã triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, gia đình ông Y Drin Niê ở buôn Ko Tam có gần 2 ha cà phê, tuy nhiên, do thị trường biến động, giá cả cà phê lên xuống thất thường, trong khi đó vốn đầu tư chăm sóc lại lớn nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt do Hội Nông dân xã tổ chức và được tham quan các mô hình trồng xen cây ăn trái mang hiệu quả kinh tế cao, ông Y Drin đã mạnh dạn trồng xen tiêu, sầu riêng vào cà phê. Sau 10 năm thực hiện mô hình trồng xen, đến nay vườn cây của gia đình ông đã cho thu nhập ổn định. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình ông Y Drin thu về khoảng 100 triệu đồng.
Tương tự, gia đình ông Y Pi Tôn Êban ở buôn Ko Tam khi trước có 1 ha đất trồng cà phê. Sau khi được cán bộ Hội Nông dân xã phổ biến kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng và tham quan các mô hình vườn sầu riêng, ông đã mạnh dạn cải tạo vườn cà phê trồng xen bơ và sầu riêng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, thời tiết thuận lợi, gia đình ông Y Pi Tôn thu lợi khoảng trên 800 triệu đồng/năm.
Ông Y Drin Niê, buôn Ko Tam, xã Ea Tu chăm sóc vườn cà phê xen sầu riêng của gia đình. |
"Thông qua tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các hình thức sản xuất, chăn nuôi lạc hậu đã dần được thay thế bằng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu chọn giống đến kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch..."
Ông Nguyễn Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tu
|
Ông Nguyễn Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tu cho biết, Hội hiện có 1.605 hội viên đang sinh hoạt tại 12 chi hội. Để phát huy vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, thời gian qua, Hội đã tập trung công tác tuyên truyền, triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của Trung ương Hội đến toàn thể hội viên nông dân; phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, từng bước thay đổi tư duy của nông dân trong việc đổi mới mô hình phát triển kinh tế, nhất là ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp tổ chức 150 lớp tập huấn cho gần 7.000 lượt hội viên tham gia, mở 15 lớp đào tạo nghề cho 509 lượt người, giới thiệu giải quyết việc làm cho 230 lao động… Riêng trong năm 2018, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức 2 lớp học nghề xây dựng dân dụng, 1 lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cà phê cho hơn 100 hội viên nông dân. Hội cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật thành phố và các cơ quan chuyên môn tổ chức 17 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho 744 lượt người tham gia, trong đó có 7 lớp chăm sóc bơ, sầu riêng, lớp trồng chăm sóc cà phê, 4 lớp về chăn nuôi, 2 lớp vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo ông Nguyễn Quang An, nhờ đổi mới hoạt động, tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân đã có nhiều khởi sắc. Năm 2012, sản lượng lúa trên địa bàn chỉ đạt 5,5 tấn/ha thì đến năm 2017 đạt 9,5 tấn/ha; năng suất cà phê từ 1,5 tấn/ha (năm 2012) tăng lên 2,4 tấn/ha năm 2017); nhiều mô hình cà phê trồng xen các loại cây trồng khác như tiêu, sầu riêng, bơ… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ 90 triệu/ha (năm 2012) lên đến 200 triệu/ha (năm 2017). Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,3 triệu đồng/năm.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc