Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào nâng chất ngành Cơ khí?

08:37, 31/10/2018

Tuy đã có sự phát triển đáng kể, nhưng sản xuất cơ khí, chế tạo trên địa bàn chủ yếu vẫn nặng về gia công, lắp ráp, công nghệ sản xuất chưa hiện đại. Thực tế đó đòi hỏi ngành Công nghiệp cơ khí của tỉnh cần có những liệu pháp “tăng lực”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 300 doanh nghiệp và hàng nghìn hộ sản xuất ở lĩnh vực cơ khí, chế tạo. Trong số này chỉ có ít doanh nghiệp có quy mô lớn như Đăng Phong, Xuân Hòa, Viết Hiền, Đắc Hải sử dụng nhiều lao động và có khả năng sản xuất chế tạo sản phẩm trình độ cao. Thế nhưng, sản phẩm, thiết bị cơ khí của doanh nghiệp địa phương chiếm tỷ trọng cao trong toàn bộ dây chuyền chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh, đặc biệt, những nhà máy công suất lớn như cà phê Ngon (Cụm công nghiệp Cư Kuin), Trung Nguyên, Intimex (Cụm công nghiệp Tân An), An Thái (Khu công nghiệp Hòa Phú) đều được lắp ráp bởi các doanh nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, với ưu thế chất lượng tốt, giá thành rẻ, nhiều loại máy móc, thiết bị đã chiếm ưu thế vượt trội trên thị trường so với sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil như bơm điện, béc tưới, thiết bị năng lượng mặt trời…

Sản xuất thiết bị chế biến cà phê tại Công ty TNHH Xuân Hòa.
Sản xuất thiết bị chế biến cà phê tại Công ty TNHH Xuân Hòa.

Bên cạnh những ưu điểm trên, theo thống kê trên địa bàn toàn tỉnh có đến 95% cơ sở sản xuất cơ khí có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Đa phần các cơ sở này sử dụng số lượng lao động ít, chủ yếu làm gia công, gò hàn, làm cửa sắt, cán tôn, sản xuất đồ gia dụng đơn giản. Thực trạng chung của ngành Cơ khí là thiếu vốn, trình độ công nghệ chưa cao, trang thiết bị sản xuất chưa đồng bộ, nhỏ lẻ, phát triển không đồng đều, giá trị gia tăng thấp. Theo ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc công ty TNHH Xuân Hòa, đầu tư vào ngành Công nghiệp cơ khí đòi hỏi vốn rất lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài, do đó Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ vay vốn để doanh nghiệp đầu tư thiết bị máy móc, nhà xưởng sản xuất, từng bước đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển ngành Cơ khí theo chiều sâu nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chủ động liên doanh, liên kết, giảm thiểu gia công cơ khí đơn thuần; ưu tiên đầu tư phát triển cơ khí chế tạo phục vụ nông nghiệp, nông thôn và dây chuyền, thiết bị chế biến sâu cà phê.

Cùng với tăng năng lực sản xuất, ngành Cơ khí tỉnh cũng cần phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ (CNHT) trợ thông qua việc thu hút những dự án chuyển giao công nghệ cao như các nhà máy đúc kim loại, nhiệt luyện, xử lý bề mặt. Theo Quy hoạch phát triển CNHT ngành Cơ khí đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 sẽ thu hút các dự án CNHT cơ khí nền tảng nhằm hình thành các cụm liên kết cơ khí trong chuỗi giá trị sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng nhiều dự án lớn như nhà máy gia công chính xác, công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư 50 tỷ đồng; nhà máy nhiệt luyện, xử lý bề mặt , công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư  40 tỷ đồng; nhà máy đúc công nghệ cao công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng… Ngoài ra, phát triển các sản phẩm đúc gang, kim loại màu và tăng cường sản xuất các sản phẩm cơ khí đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn.

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp cơ khí trong Cụm công nghiệp Tân An 2.
Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp cơ khí trong Cụm công nghiệp Tân An 2.


Bên cạnh đó, Hội cơ khí tỉnh cho biết sẽ triển khai một số hoạt động hợp tác với tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) trong việc đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho việc thực tập trong quá trình đào tạo nghề cơ khí, động lực và công nghiệp ô tô, sản xuất các chi tiết, phụ tùng thiết bị nông nghiệp, phương tiện vận tải. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm cơ khí Đắk Lắk vào tiêu thụ ở Hàn Quốc, đặc biệt là sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như: thiết bị phục vụ sản xuất cà phê, máy sấy nông sản, bơm nước các loại... Đối với các doanh nghiệp cơ khí, cần chủ động nâng cao về thiết bị, công nghệ trong sản xuất, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.