Multimedia Đọc Báo in

Gỡ khó cho kinh tế trang trại: Bắt đầu từ đâu? (Kỳ 1)

08:46, 17/10/2018

Kinh tế trang trại đang được xem là mũi nhọn trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần đắc lực vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình này hiện đang gặp khá nhiều khó khăn.

Kỳ 1: Nông dân loay hoay tìm hướng phát triển

Để khai thác lợi thế về tiềm năng đất đai, khí hậu, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ thành công thì đa số các trang trại vẫn đang “tự bơi” trong việc sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường.          

Mạnh dạn đầu tư

Theo thống kê của Chi cục phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 964 trang trại, gồm 368 trang trại trồng trọt, 525 trang trại chăn nuôi, 14 trang trại thủy sản, 54 trang trại tổng hợp, 3 trang trại lâm nghiệp. Nhìn chung các trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, đặc biệt là trang trại chăn nuôi, từ 344 trang trại chăn nuôi năm 2016 tăng lên 525 trang trại vào năm 2017 (tăng 181 trang trại). Các trang trại chăn nuôi chủ yếu phát triển theo hướng chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh và gia tăng giá trị sản xuất.

Một vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Krông Pắc.
Một vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Đơn cử như trang trại chăn nuôi chim bồ câu Thái Lan của ông Phạm Xuân Tiến (thôn Tân Lập 3, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc). Nhận thấy  với 4,5 ha đất phát triển trồng cà phê mỗi năm thu lại hơn 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, công sức… thu lãi chẳng bao nhiêu, ông Tiến luôn trăn trở tìm hướng đi mới để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Qua tìm hiểu trên sách báo, tivi, ông thấy mô hình nuôi chim bồ câu Thái Lan đang phát huy hiệu quả tại nhiều tỉnh. Từ đó, ông quyết định “khăn gói” tìm đến các mô hình chăn nuôi có tiếng tại Bắc Giang, Bình Dương học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Thái Lan để về phát triển trang trại chăn nuôi tại địa phương. Năm 2017, ông Tiến đầu tư gần 4 tỷ đồng mở trang trại chăn nuôi chim bồ câu Thái Lan với quy mô 8 nghìn con trên diện tích 1.000 m2. Ông Tiến cho biết, nuôi chim bồ câu ít bệnh tật, chỉ cần tiêm vắc xin 2 – 3 đợt, tiêu độc khử trùng thường xuyên, chim sẽ phát triển tốt. Trung bình mỗi cặp chim mẹ đẻ 8 lứa/năm. Sản phẩm được các thương lái từ Bình Dương tìm đến thu mua, trung bình 100 nghìn đồng/cặp, sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi hơn 900 triệu đồng/năm. Trong quá trình chăn nuôi, lượng phân thu được ông sử dụng 1 để cải tạo diện tích trồng cà phê xen sầu riêng, bơ, tiêu… của gia đình giúp ông giảm bớt được một số chi phí đáng kể.

Cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ông Nguyễn Văn Bình (thôn Nam Hòa, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) đã sở hữu một trang trại tổng hợp nuôi heo, trồng tiêu, cây ăn quả cho thu nhập cao. Ông Bình cho biết, trước đây, trên diện tích 6 ha, gia đình ông đầu tư trồng cao su, tuy nhiên do vùng đất không thích hợp nên năng suất không cao. Năm 2013, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư mở trang trại nuôi heo, với diện tích gần 2.000 m2, công suất 3.000 con/năm theo quy trình chăn nuôi khép kín. Mọi khâu trong quá trình chăn nuôi đều khép kín với hệ thống máng ăn tự động. Hiện nay, trang trại có 1.000 heo thịt và 142 heo nái, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt hơi.

Nhưng vẫn phải “tự bơi”

Trên thực tế, mặc dù kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng các chủ trang trại vẫn phải “tự bơi” trong việc tìm vốn tư và đầu ra cho sản phẩm. Ông Phạm Xuân Tiến cho biết, tuy đã đầu tư một số vốn lớn, nhưng hiện nay trang trại vẫn chưa được hoàn thiện do thiếu vốn. Trang trại của gia đình ông còn cần gần 3 tỷ đồng để hoàn thành một số hạng mục cơ sở vật chất còn thiếu và mở rộng thêm quy mô (nhà kho, lồng, giống…) nhưng vẫn chưa biết vay ở đâu. Ông Tiến đã làm các thủ tục để có được Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, đồng thời xây dựng phương án sản xuất gửi lên các cấp chính quyền với hy vọng sẽ vay được vốn ưu đãi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Không chỉ riêng trang trại của ông Phạm Xuân Tiến mà phần lớn các trang trại đều rơi vào tình trạng thiếu vốn sản xuất, nhất là các trang trại chăn nuôi heo sau đợt heo giảm giá kéo dài. Nguyên nhân là việc vay vốn phải có tài sản thế chấp, nhưng do tài sản được định giá thấp nên lượng vốn vay được ít. Có một số trang trại do nguồn gốc đất không rõ ràng nên chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến việc vay vốn khó khăn. Trong khi đó hầu hết các trang trại vẫn chưa tiếp cận được vốn vay tín chấp theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn.

Bên cạnh việc thiếu vốn thì đầu ra cho sản phẩm vẫn còn rất bấp bênh. Phần lớn các trang trại bán sản phẩm ra thị trường tự do, ít có sự liên kết giữa trang trại với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm. Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế trang trại của tỉnh, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh mới có 342 trang trại chăn nuôi liên kết với Công ty Cổ phần C.P Việt Nam theo hình thức nuôi gia công (trong đó có 247 trang trại heo, 95 trang trại gà).

Trang trại chăn nuôi chim bồ câu Thái Lan của ông Phạm Xuân Tiến (thôn Tân Lập 3, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc).
Trang trại chăn nuôi chim bồ câu Thái Lan của ông Phạm Xuân Tiến (thôn Tân Lập 3, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc).

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, phần lớn các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được hình thành tự phát; trách nhiệm, sự ràng buộc giữa các thành phần khi tham gia liên kết chưa thực sự chặt chẽ cả trên phương diện kinh tế lẫn phương diện pháp lý nên chưa thực sự bền vững. Trong khi đó, năng lực thực sự của các thành phần tham gia, nhất là năng lực của hộ nông dân, chủ trang trại… còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, vốn đầu tư bình quân của mỗi trang trại trên 1,3 tỷ đồng, chủ yếu là vốn tự có của trang trại; diện tích đất bình quân 5,1 ha/trang trại; lao động bình quân là 5,6 lao động/trang trại; giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân năm 2017 trên 1,5 tỷ đồng/trang trại; thu nhập bình quân 406,1 triệu đồng/trang trại.

Minh Thuận - Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc