Multimedia Đọc Báo in

Học nghề phi nông nghiệp: Cơ hội mới cho nhà nông

10:37, 24/10/2018

Thời gian qua, nhờ thực hiện Đề án học nghề phi nông nghiệp trên địa bàn thị xã Buôn Hồ nên có rất nhiều nông dân thay đổi tư duy làm ăn, thử nghiệm những ngành nghề mới, tăng thu nhập cho gia đình.

Sau nhiều năm vất vả chăm sóc và đổ nhiều công sức cho 5 sào tiêu, cà phê của gia đình nhưng không mang lại hiệu quả, anh Y Lan Niê (buôn Ka Miên, xã Ea Rông) đã quyết định học thêm nghề mới. Với những hiểu biết về nghề xây dựng sẵn có khi trước đây đã từng làm phụ hồ, năm 2016 anh đăng ký khóa đào tạo nghề xây dựng 4 tháng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Buôn Hồ (Trung tâm). Học xong anh đi làm đến nay được gần 2 năm, được người dân trong xã tin tưởng giao nhiều công trình. “Hiện tại tôi không chỉ nhận thầu trong xã mà đã mở rộng ra ở các huyện lân cận như Krông Búk, Krông Năng,… Riêng năm 2017, tôi nhận thầu được 12 ngôi nhà, tạo việc làm cho 9 lao động, thu nhập đã khá hơn rất nhiều so với trước đây”, anh Y Lan phấn khởi cho biết. Cũng như anh Y Lan, vừa kết thúc lớp học nghề xây dựng vào cuối năm 2017, tay nghề của anh Y Tô Niê (buôn Sin B, xã Ea Rông) được nâng lên rõ rệt, công việc phụ hồ giúp anh kiếm được khoảng 250 nghìn đồng/ngày công. Nhờ có nghề mới này, anh Y Tô có thể làm thêm quanh năm và tăng thêm nguồn thu bởi nghề trồng trọt truyền thống của gia đình thu không đáng kể.

Anh Y Tô Niê đã có việc làm ổn định sau khi học nghề xây dựng.
Anh Y Tô Niê đã có việc làm ổn định sau khi học nghề xây dựng.

Cũng được học nghề tại Trung tâm, anh Y Diu Mlô (buôn Sin B) lại thành công với nghề hàn. Sau 4 tháng theo học, anh Y Diu đã được cấp Chứng chỉ sơ cấp nghề hàn điện. Anh đã có thể mở một cửa tiệm nhỏ để sửa xe công nông cho người dân trong buôn. Anh Y Diu cho hay, do anh mới "ra nghề" nên làm còn chưa thuần thục, thu nhập chỉ khoảng từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng, nhưng nếu chịu khó làm nhiều thì thu nhập có thể cao hơn, ở nông thôn thu nhập như vậy là ổn.

Hiện nay, nhiều học viên sau các khóa học đào tạo nghề phi nông nghiệp đã có công viêc ổn định. Thầy Y Thanh Kbuôr, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, đây là Đề án rất thiết thực cho người dân, giúp họ tiếp cận được với những kiến thức và ngành nghề mới. Sau khi học đã có nhiều gia đình áp dụng vào thực tiễn lao động, mạnh dạn xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh mới. Đặc biệt, bà con đã có nhận thức mới về học nghề phi nông nghiệp, từ đó hướng cho con em vào học nghề thay vì bắt buộc phải học đại học như trước.

Anh Y Diu Mlô sửa chữa xe công nông cho người dân trong buôn.
Anh Y Diu Mlô sửa chữa xe công nông cho người dân trong buôn.

Trong điều kiện kinh tế phát triển mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Bá Trung, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Buôn Hồ cho rằng, việc triển khai dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Ngoài ra, đào tạo nghề phi nông nghiệp còn góp phần giải quyết được nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tuy nhiên, việc ứng dụng và đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: thời gian đào tạo nghề còn ngắn nên tay nghề của học viên chưa cao, từ đó khó xin vào các cơ sở sản xuất vừa và lớn, chủ yếu chỉ làm ở hộ gia đình; trên địa bàn các xã, phường, thị trấn còn ít cơ sở dạy nghề, ít doanh nghiệp nên việc mở lớp nâng cao kỹ năng thực hành còn hạn chế…

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng rõ ràng, các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp tại thị xã Buôn Hồ đã bước đầu mang lại hiệu quả, không chỉ tạo điều kiện cho lao động nông thôn học và làm việc ngay tại địa phương mà còn giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống. Đây cũng chính là "chìa khóa" cho sự tiến bộ và phát triển thực sự của lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay.

Qua 7 năm thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay thị xã Buôn Hồ đã tổ chức được 32 lớp với 1.120 học viên. Riêng từ đầu năm đến nay, thị xã đã tổ chức được 6 lớp dạy nghề, trong đó có 4 lớp phi nông nghiệp với 140 học viên trong nhiều lĩnh vực như: xây dựng, hàn điện, may công nghiệp.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.