Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp

08:44, 29/10/2018

Nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Ea H’leo đang đối diện nguy cơ bị bệnh chết nhanh, chết chậm.

Những ngày này, ông Rchăm Gơih ở buôn Drai Đút (xã Đliê Yang) đứng ngồi không yên khi bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu trong vườn đang có dấu hiệu phát triển rất nhanh. Ông Rchăm Gơih lo lắng: “Gia đình tôi có 6 sào hồ tiêu với 500 trụ đã trồng được 4 năm. Tuy gia đình đã tìm đủ mọi cách để phòng, trừ bệnh thế nhưng hiện tại có hơn 100 cây hồ tiêu đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm, số còn lại cũng đang có dấu hiệu bị nhiễm bệnh”.

Một vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm ở xã Đliê Yang (huyện Ea H'leo).
Một vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm ở xã Đliê Yang (huyện Ea H'leo).

Ông Nguyễn Mậu An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea H’leo cho biết, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn xã  khoảng 800 ha. Trời mưa nhiều sau đó lại nắng liên tục trong hơn một tháng qua đã làm cho nhiều diện tích hồ tiêu của xã bị bệnh chết nhanh, chết chậm, vàng lá, dây tiêu héo dần… Điều đáng nói, do giá hồ tiêu xuống thấp nên nhiều hộ dân trong xã không hào hứng chăm sóc khiến diện tích hồ tiêu bị bệnh có dấu hiện lan rộng.

 
“UBND huyện yêu cầu chậm nhất cuối tháng 10-2018, các xã, thị trấn phải thống kê, báo cáo số diện tích hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm để chính quyền nắm bắt tình hình, tăng cường công tác quản lý, phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu. Đồng thời cũng yêu cầu Phòng NN-PTNT, Trạm TT-BVTV huyện và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho người dân chủ động áp dụng các quy trình quản lý, phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây hồ tiêu, không để bệnh lan rộng...”.
 
 Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Phan Tiến Dũng

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ea H’leo, địa phương có khoảng 7.200 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở các xã  Ea H’leo, Ea Wy, Ea Sol, Đliê Yang… Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9-2018, lượng mưa trên địa bàn huyện lớn hơn so với trung bình nhiều năm, mưa liên tục kéo dài là một phần nguyên nhân dẫn đến bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. “Năm ngoái, toàn huyện có 437 ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng theo nhận định của chúng tôi, có khả năng diện tích hồ tiêu bị bệnh sẽ tăng hơn so với năm ngoái nếu không có giải pháp phòng ngừa kịp thời, hữu hiệu. Những ngày qua, một mặt tập trung hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh, mặt khác chúng tôi cũng đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn tổng hợp thống kê diện tích hồ tiêu bị chết nhanh, chết chậm để báo cáo UBND huyện xem xét, chỉ đạo”, ông Bùi Công Lăng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo cho hay.

Được biết, ngay từ cuối tháng 8 vừa qua, trước tình hình mưa kéo dài, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) huyện Ea H'leo cũng đã cử cán bộ xuống từng vùng trồng hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm để tìm hiểu và hỗ trợ bà con trong công tác phòng trừ bệnh. Trong đó, ưu tiên tập trung phòng bệnh đối với những diện tích hồ tiêu chưa bị bệnh như: chủ động khơi mương, thoát nước nhanh trong vườn hồ tiêu; không bón phân đạm hay dùng thuốc bảo vệ thực vật đổ trực tiếp vào gốc cây hồ tiêu vì dễ gây tổn thương đến bộ rễ; thường xuyên vệ sinh vườn hồ tiêu, thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng các chế phẩm sinh học… Đối với khu vực hồ tiêu đã bị bệnh thì sử dụng các loại thuốc được khuyến cáo dùng đúng liều lượng; thu gom tiêu hủy đối với những cây bệnh, hoặc cây chết; xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học…

Ông Rchăm Gơih ở buôn Drai Đút, xã Dlei Yang (huyện Ea H'leo) lo lắng khi cây tiêu của gia đình bị bệnh chết nhanh, chết chậm.
Ông Rchăm Gơih ở buôn Drai Đút, xã Dlei Yang (huyện Ea H'leo) lo lắng khi cây tiêu của gia đình bị bệnh chết nhanh, chết chậm.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: “Dẫu đã nỗ lực để cứu cây hồ tiêu, nhưng do địa bàn rộng, cán bộ của Trạm ít nên gặp  nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều bà con nông dân chưa tuân thủ đúng quy trình trồng hồ tiêu như: đào bồn quá sâu, không có hệ thống thoát nước trong vườn... nên tình hình hồ tiêu nhiễm bệnh diễn biến rất nhanh”.

Nguyễn Gia

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.