Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk tất bật vào vụ trồng rừng mới

08:43, 30/10/2018

Là địa phương có diện tích trồng rừng lớn nhất cả tỉnh, huyện M’Đrắk đang tất bật vào vụ trồng rừng năm 2018. Năm nay, diện tích trồng rừng ở đây tăng mạnh vì người dân tập trung khôi phục lại những diện tích rừng trồng đã bị gãy đổ do cơn bão số 12 năm 2017 gây ra.

Tại xã Ea Trang - địa phương có diện tích rừng trồng chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 gây ra (với khoảng 1.300 ha rừng trồng bị gãy đổ) - người dân đã trồng mới được 400/550 ha rừng theo kế hoạch. “Mấy năm trở lại đây, nhờ trồng rừng mà đời sống nhiều người dân trong xã khấm khá lên nên dù bị thiệt hại nặng nề do bão gây ra bà con nông dân vẫn ưu tiên chọn trồng rừng để phát triển sản xuất", ông Y Đôi Niê, Chủ tịch UBND xã Ea Trang cho biết.

Người dân xã Ea Trang vận chuyển cây giống để trồng rừng.
Người dân xã Ea Trang vận chuyển cây giống để trồng rừng.

Năm 2018, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk (sau đây gọi là công ty) có kế hoạch trồng mới 400 ha rừng. Theo ông Ngô Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty, đơn vị có hơn 2.000 ha rừng trồng, bình quân những năm trước, mỗi năm chỉ trồng mới khoảng hơn 100 ha rừng nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 12 đã làm cho hơn 800 ha rừng từ 3 - 5 năm tuổi bị gãy đổ hoàn toàn nên năm nay diện tích trồng rừng của đơn vị tăng đột biến lên 400 ha. Khó khăn lớn nhất đối với Công ty trong vụ trồng rừng này chính là thiếu nhân công để dọn dẹp, tận thu gỗ bị gãy đổ trong cơn bão số 12. Dù cố gắng lắm Công ty cũng chỉ trồng được phân nửa số diện tích rừng đã bị thiệt hại do thiên tai gây ra. "Nguồn thu nhập chính của Công ty là từ rừng trồng, chính vì thế sau cơn bão đơn vị tập trung thu gom số cây bị gãy đổ, dọn dẹp thực bì, chuẩn bị vật tư, cây rừng giống để đến vụ là xuống giống. Đến thời điểm này, Công ty cũng đã trồng được 50% diện tích, số còn lại đang gấp rút để trồng cho kịp thời vụ", ông Đức cho hay.

Huyện M’Đrắk có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh với khoảng 13.800 ha, khối lượng gỗ rừng trồng khai thác hơn 100.000 m3/năm

Diện tích trồng rừng tăng cũng giúp các cơ sở sản xuất keo giống trên địa bàn huyện M'Đrắk hoạt động sôi động hơn. Anh Mai Văn Hải, chủ một cơ sở sản xuất keo giống ở thôn 2 (xã Krông Jing) cho biết, những năm trước bình quân mỗi năm bán được khoảng 2 triệu cây keo giống, nhưng năm nay nhu cầu mua cây rừng giống tăng cao, đến nay anh đã trồng 4 triệu cây giống.  Không chỉ phân phối ở địa phương, anh Hải còn cung ứng cây rừng giống ở một số tỉnh khác. Cây keo giâm hom phát triển nhanh, nếu chăm sóc tốt thì khoảng 4 năm đã có thể thu hoạch nên được người dân lựa chọn.

Người dân chăm sóc rừng trồng ở xã Cư Cróa (huyện M'Đrắk).
Người dân chăm sóc rừng trồng ở xã Cư Cróa (huyện M'Đrắk).

Năm 2018 huyện M'Đrắk trồng mới hơn 2.900 ha rừng, trong đó diện tích trồng rừng của các doanh nghiệp khoảng 1.400 ha, còn lại là của các hộ dân. Khoảng một tháng trở lại đây, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân đã trồng được gần 2.000 ha rừng. 

Theo ông Y Lốp Niê, Chánh Văn phòng UBND huyện, năm nay nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp là trồng khoảng 3.900 ha rừng, tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão số 12 diện tích rừng trồng bị gãy đổ lớn dẫn đến thiếu nhân công và giá nhân công cao khiến việc khai thác, dọn thực bì những diện tích rừng trồng bị gãy đổ không kịp nên chỉ trồng mới khoảng 2.900 ha rừng. “Cây keo phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Hiệu quả kinh tế mang lại cũng vượt trội so với các loại cây trồng khác. Theo tính toán, mỗi héc-ta keo với chu kỳ trồng và chăm sóc khoảng 5 năm, khi thu hoạch sẽ cho nguồn thu khoảng 70-100 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 20 triệu đồng cũng cho lãi từ 50 - 80 triệu đồng. Chính vì vậy, những năm gần đây, nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc của huyện đã được người dân chuyển đổi sang trồng rừng. Nhờ nguồn thu nhập từ trồng rừng mà kinh tế nhiều hộ dân đã ổn định hơn”, ông Y Lốp Niê  khẳng định.

     Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.