Multimedia Đọc Báo in

Mạnh dạn phá bỏ cà phê kém hiệu quả để trồng dược liệu

08:45, 17/10/2018

Năm 2017, nhận thấy nguồn thu nhập từ vườn cà phê xen tiêu rộng hơn 1,5 ha của gia đình liên tục giảm sút, hai anh em Nguyễn Minh Phương (SN 1988) và Nguyễn Phương Hoàng (SN 1990) ở tổ dân phố 3, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ quyết định chuyển sang trồng dược liệu để mong cải thiện thu nhập cho gia đình.

Hai anh em đã khăn gói sang huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) tìm đến các mô hình trồng đương quy lâu năm để học hỏi kỹ thuật chăm sóc, rồi mua 1 kg hạt giống với giá 6 triệu đồng về trồng thử. Thực ra ý định trồng đương quy (còn gọi là sâm đương quy) có từ 3 năm trước nhưng vì bố phản đối nên hai anh em đành gác lại. Để có đất trồng đương quy, hai anh em lén phá 4 sào cà phê của gia đình ở chân đồi 65 (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk), bởi khu vực này đất nhiều mùn, tơi xốp, khí hậu lại mát mẻ, se lạnh rất lý tưởng cho loài sâm sinh trưởng. Đầu năm 2018, vườn đương quy bắt đầu bén rễ.

Anh Phương (bên trái) cùng anh Hoàng bàn cách tỉa bớt lá sâu già cho vườn sâm.
Anh Phương (bên trái) cùng anh Hoàng bàn cách tỉa bớt lá sâu già cho vườn sâm.

Nói về quy trình trồng, chăm sóc đương quy, anh Hoàng chia sẻ, có hai khâu quan trọng cần chú ý là chọn giống và xử lý đất. Giống tốt, tỷ lệ nảy mầm cao, khi trồng cây không bị trổ bông sớm ảnh hưởng đến năng suất và hoạt chất có trong củ. Còn khâu làm đất sẽ giúp loại bỏ 70-80% các loại nấm, sâu bệnh hại cây. Cách xử lý đất nhanh và hiệu quả nhất là rải vôi bột, dùng máy cày đánh đều cho vôi lẫn vào đất. Sau đó phơi đất, bón thêm phân chuồng hoai mục rồi lên luống, tạo rãnh thoát nước. Khi cây con ươm lên cứng cáp khoảng 1,5 tháng, ta tiến hành nhổ cấy ra luống với mật độ cây cách cây 20 cm, hàng cách hàng 30 cm. Nên cấy giống khi trời mát, cấy xong phải tưới nước ngay để cố định cây và giữ ẩm cho cây nhanh hồi xanh.

Để chủ động cung cấp nước cho vườn cây, hai anh Phương, Hoàng đầu tư hệ thống phun sương tự động. Cứ 2-3 ngày các anh lại khởi động hệ thống phun tưới tạo độ ẩm bao phủ cả vườn. Cách làm này giúp anh tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian kéo dây, giăng ống tưới so với cách tưới truyền thống. Quá trình trồng, hai anh thay nhau túc trực, theo dõi vườn sâm. Anh Phương ví chăm đương quy như “trẻ sơ sinh”. Mọi công đoạn, làm cỏ, tưới nước, bón phân phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng. Đương quy dễ mắc các bệnh đốm lá, lở cổ rễ, bệnh sùi củ khi thời tiết thay đổi, việc thăm vườn thường xuyên sẽ sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, kịp thời xử lý nguồn bệnh tránh lây lan ra cả vườn. Hai anh Phương, Hoàng còn nghiên cứu tự làm phân vi sinh và các loại thuốc phòng chống sâu bệnh bằng thảo dược. Nhờ vậy vườn cây ít nhiễm bệnh, sau hơn 8 tháng, vườn đương quy xanh tốt, tạo củ to và nhiều.

 Hệ thống phun sương tự động giúp vườn đương quy luôn ẩm mát.
Hệ thống phun sương tự động giúp vườn đương quy luôn ẩm mát.

Theo các nhà vườn ở Lâm Hà, sau khi trồng khoảng 12 tháng thì đương quy bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi cây cho củ nặng từ 6 - 8 lạng, tương đương 3-4 tấn/sào. Với giá bán theo thị trường hiện nay dao động từ 27-40 ngàn đồng/kg, sẽ cho thu gần 100 triệu đồng/sào. Trừ tất cả các loại chi phí, giống, phân, công, anh Phương nhẩm tính sẽ thu lời hơn 200 triệu đồng từ 4 sào sâm. Theo anh Phương, chi phí đầu tư ban đầu cho đương quy lớn hơn so với cà phê, hồ tiêu. Bù lại thời gian hoàn vốn nhanh (chỉ trong 1 năm) và lợi nhuận thu về cũng cao gấp nhiều lần. Anh Phương không quá lo cho đầu ra sản phẩm vì đương quy là cây dược liệu quý. "Vấn đề là ta phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc để cây sâm tạo củ chứa nhiều hoạt chất. Người tiêu dùng không mua củ theo hình thức chọn củ to - củ nhỏ, đẹp - xấu mà bằng máy test hàm lượng chất dinh dưỡng có trong thân củ", anh Phương chia sẻ.

Đương quy (còn gọi là sâm đương quy) là cây thảo dược dùng nhiều trong Đông y có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, được đưa về Việt Nam trồng ở các tỉnh có khí hậu mát mẻ như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… Gần đây, đương quy được trồng nhiều ở Đà Lạt (Lâm Đồng), huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), Kbang (Gia Lai). Đương quy chứa nhiều tinh dầu và các loại vitamin rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều hòa khí huyết, thông kinh, nhuận tràng. Đương quy được các thầy thuốc Đông y dùng chữa các chứng bệnh: Suy nhược, thiếu máu, táo bón, cao huyết áp, kém ăn, ra mồ hôi nhiều…

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.