Multimedia Đọc Báo in

Nghị định 116: Có mở được "nút thắt" cho nông nghiệp công nghệ cao?

08:24, 24/10/2018

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 116). Một trong những nội dung đáng chú ý là Nghị định này đã có nhiều quy định mới khá "thoáng" và được xem là "hướng mở" cho nông nghiệp công nghệ cao.

Để khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Nghị định 116 đã bổ sung quy định: Doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có thể được ngân hàng xem xét cho vay không cần tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án.

Đây là quy định được xem là rất "thoáng" so với quy định trước đó tại Nghị định 55, nhất là đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk. Bởi theo Nghị định 55, đối tượng được vay vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc tiêu thụ sản phẩm là kết quả của việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao của khách hàng); các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận (được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp).

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bắc Đăk Lăk kiểm tra hiệu quả vốn vay tái canh cà phê của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cư M'gar.
Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bắc Đăk Lăk kiểm tra hiệu quả vốn vay tái canh cà phê của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cư M'gar.

Sở dĩ Nghị định 116 được kỳ vọng là có tác động lớn đến doanh nghiệp của Đắk Lắk bởi hiện nay tỉnh chưa đáp ứng được các quy định đi kèm của Nghị định 55 như chưa có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (khu vực tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật); vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật). Và đặc biệt, đến nay, tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cơ quan chức năng công nhận và cấp Giấy chứng nhận.

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bắc Đăk Lăk  kiểm tra  hiệu quả  vốn vay tại Công ty TNHH MTV  Cà phê  Ea Pốk.
Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bắc Đăk Lăk kiểm tra hiệu quả vốn vay tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk.

Rõ ràng, nếu chiếu theo các quy định của Nghị định 116 thì doanh nghiệp sẽ khá dễ dàng trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi. Thế nhưng trong thực tế, Nghị định 116 vẫn chưa tác động tích cực  đến doanh nghiệp nói riêng, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh nói chung. Nghị định 116 mới chỉ có thể xem là cơ chế giúp các ngân hàng có thêm cơ sở pháp lý để thực hiện cho vay ở lĩnh vực này. Thế nhưng việc các ngân hàng có dám mạnh dạn cho vay hay không lại còn phụ thuộc nhiều yếu tố quan trọng khác. Theo đại diện một ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn, việc cho vay lĩnh vực nông nghiệp vốn đã chứa đựng rất nhiều rủi ro, những khoản vay không cần tài sản thế chấp lại càng rủi ro hơn. Trong khi đó, phải nhìn nhận thực tế rằng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt điều kiện về phương án sản xuất kinh doanh (cơ sở đầu tiên để ngân hàng lưu tâm đến). Cùng với đó, việc quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn mang nặng tính hình thức, thiếu chặt chẽ nên không đủ căn cứ để phía ngân hàng đánh giá năng lực và thẩm định hồ sơ cho vay.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 43.850 tỷ đồng, chiếm 51,1% tổng dư nợ; tăng 9,4% so với đầu năm, với trên 170 nghìn khách hàng vay vốn.

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.