Những lão nông "đa cây" ở Krông Búk
Tìm hiểu đặc tính của từng loại cây và kết hợp trồng chúng cùng trên một mảnh đất để mang lại hiệu quả kinh tế cao là câu chuyện của những lão nông ở huyện Krông Búk.
Gia đình ông Trương Hùng (buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng) được người dân trong vùng biết đến là một nông dân “mát tay” khi trồng đa dạng các loại cây trên diện tích 5 ha, mà cây nào cũng trĩu quả. Tuy nhiên, để có được hiệu quả như bây giờ ông Hùng cũng trải qua rất nhiều khó khăn. Khu đất rộng 5 ha của ông vốn có địa hình không bằng phẳng, thoải và dốc xuống như một triền núi, đất đai lại không được màu mỡ. Không cam chịu bó tay trước thiên nhiên, ông Hùng tìm hiểu cách cải tạo và trồng cây cà phê trên vùng đất dốc. Sau khi cà phê đã cho thu hoạch ổn định, ông Hùng tiếp tục lần lượt trồng xen canh từng loại cây khác vào, trước tiên là hồ tiêu, sau đó là sầu riêng và bơ… Sau nhiều năm canh tác, hiện nay, gia đình ông đã có vườn cà phê kinh doanh ổn định; 700 gốc sầu riêng đã bắt đầu cho thu; 400/1.000 gốc bơ đang cho thu hoạch; 2.000/3000 trụ tiêu đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 5 tấn/năm. Năm 2017, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về gần 700 triệu đồng.
Vợ chồng ông Trương Hùng (buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng) chăm sóc cây bơ trĩu quả trong vườn cây xen canh của gia đình. |
Để xây dựng nên một vườn cây xen canh mà lại hiệu quả như vậy, ông Hùng không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm: “Để xen canh có hiệu quả thì phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu cắt tỉa cành, phân chia ánh sáng hợp lý cho tất cả các loại cây. Cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình, vì vậy, khi trồng xen sầu riêng, bơ với tỷ lệ phù hợp sẽ không khó trong việc điều chỉnh ánh sáng hài hòa cho cả 3 loại cây. Trong đó, cây sầu riêng, cây bơ sẽ giúp chắn gió và che bóng cho cà phê; tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô. Hiện nay, giá các loại trái cây khá cao nên thu nhập ổn định. Và điều quan trọng nhất là việc trồng xen này giúp gia đình tránh những rủi ro về giá cả, năng suất khi độc canh cà phê". Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, khu vườn đa canh ông Hùng còn tạo việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định cho 6 lao động ở địa phương.
Tương tự nhà ông Hùng, ông Ngô Công Lợi (thôn Nam Tân, xã Cư Kpô) cũng là một trong những lão nông thành công với mô hình trồng xen canh. Ông Lợi đã tận dụng tối đa diện tích đất canh tác nhằm tăng thêm thu nhập bằng cách xen canh nhiều loại cây ăn trái trên diện tích 2,5 ha đất sản xuất. Theo ông Lợi, đất ở đây phù hợp trồng các loại cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu. Thế nhưng, những năm gần đây, cây cà phê ngày càng già cỗi, giảm năng suất, việc tái canh gặp nhiều khó khăn, trong khi giá cà phê lại giảm. Vì thế, ông đã tìm hiểu các mô hình xen canh thành công trong vùng và toàn tỉnh, thấy sự hiệu quả, ông quyết định học tập theo.
Vườn cà phê trĩu quả của ông Ngô Công Lợi (thôn Nam Tân, xã Cư Kpô). |
Năm 2014, ông bắt đầu triển khai trồng xen tiêu, sau đó là bơ, sầu riêng, chanh dây vào vườn cà phê. Đến nay, trong vườn ngoài cà phê còn có 1.000 gốc tiêu, 200 gốc bơ, 150 gốc sầu riêng, 80 trụ chanh dây… Các loại cây đều đã cho thu hoạch, đem về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong quá trình xen canh, ông Lợi tự mày mò tìm hiểu cách trồng của từng loại cây, cách chăm sóc sao cho phù hợp để không ảnh hưởng đến cây khác. Cụ thể như làm cành thường xuyên cho cà phê nhằm tạo không gian cho những cây khác phát triển; chăm bón phân cho từng loại cây đúng chu kỳ… Cứ vừa làm vừa học, ông Lợi đã nhận về "quả ngọt" khi những loại cây trồng xen canh đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi ích kép cho gia đình. Nhờ vậy, dù giá cả cà phê, hồ tiêu những năm gần đây bấp bênh, không cao như trước nhưng gia đình ông vẫn có nguồn thu nhập ổn định.
Từ sự thành công của những "lão nông” trong việc xen canh trong vườn cà phê cho thấy, đây là một phương thức đa dạng hóa cây trồng hay, tiết kiệm đất canh tác, cho hiệu quả kinh tế cao; là một trong những hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân giảm thiểu nguy cơ mất mùa do độc canh một loại cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Đồng thời, mô hình xen canh cũng đánh giá cao sự chịu khó học hỏi, tiếp thu khoa học kỹ thuật của người nông dân, nhờ vậy mới có được những vườn cây trĩu quả.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc