Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Cư Êbur điêu đứng vì thanh long rớt giá

08:26, 15/10/2018

Đang vào thời điểm thu hoạch lứa cuối chính vụ, nhưng đã gần một tháng nay, người trồng thanh long ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đứng ngồi không yên vì giá thanh long liên tục “tụt dốc” thê thảm.

Gia đình ông Mai Sỹ Ánh ở thôn 3 có 800 trụ thanh long, bình quân sản lượng 20-22 tấn/năm. Tuy nhiên, vụ mùa này chưa kịp vui mừng vì đến kỳ thu hoạch, gia đình ông lại rơi vào trạng thái rầu rĩ vì thanh long rớt giá liên tục. Ông Ánh than thở: “Cách đây gần một tháng, giá thanh long dao động từ 15.000-18.000 đồng/kg, nhưng hiện nay thương lái chỉ mua với giá 2.000-3.000 đồng/kg. Do giá quá thấp, chẳng bù công thu hoạch, lại khó tiêu thụ nên gia đình không mặn mà với việc thu hái. Số thanh long còn lại ở vườn tôi vẫn đang neo trái lại trên cây”. Theo ông Ánh, 1 ha thanh long phải tốn chi phí đầu tư trên 80 triệu đồng/năm. Do đó, thanh long phải có giá 8.000-10.000 đồng/kg thì người trồng mới có lãi. Vụ thanh long sắp hết mà giá như hiện tại, gia đình ông sẽ không thu đủ vốn đầu tư từ đầu vụ.

Thanh long rớt giá khiến gia đình ông Mai Sỹ Ánh ở thôn 3 (xã Cư Êbur) không mặn  mà với việc thu hái.
Thanh long rớt giá khiến gia đình ông Mai Sỹ Ánh ở thôn 3 (xã Cư Êbur) không mặn mà với việc thu hái.
 
"Vùng trồng chuyên canh thanh long xã Cư Êbur hiện có trên 129 ha (tập trung ở thôn 2 và thôn 3) của gần 200 hộ nông dân, năng suất bình quân từ 20-25 tấn/ha, sản lượng mỗi năm trên 3.000 tấn. Hiện giá thanh long giảm xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg thì thiệt hại của người nông dân là vô cùng lớn".
 
Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Êbur.

Một số nhà vườn cho biết, mọi năm giá thanh long thấp nhất cũng chỉ khoảng 8.000 đồng/kg chứ không giảm đến mức kỷ lục như hiện nay. Hiện tại, nhiều nhà vườn đành chấp nhận bán với giá thấp để chuẩn bị cho đợt chong điện nghịch vụ. Trồng thanh long hơn 5 năm qua, anh Trần Minh Khai ở thôn 3 lần đầu chứng kiến loại trái cây này rớt giá thê thảm như vậy. Gia đình anh Khai có 400 trụ thanh long, cho thu hoạch rộ vào đúng thời điểm cách đây 3 tuần, khi giá thanh long nằm ở mức 5.000 đồng/kg. Không thể để trái chín nứt trên cây, gia đình anh đành chấp nhận bán lỗ để tái đầu tư vụ mới. Dù giá cả không thuận lợi nhưng vườn thanh long là nguồn thu nhập chính của gia đình nên những ngày này, anh Khai vẫn tích cực chăm chút kỹ lưỡng cho những trụ thanh long đang trổ bông vụ mới để kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp tới với kỳ vọng giá cả sẽ khả quan hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Êbur, cây thanh long phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương nên được người dân trồng nhiều trong 3 năm trở lại đây. Những năm trước, giá thanh long trên thị trường lúc tăng, lúc giảm nhưng chưa khi nào giá thấp như thời điểm này.

Anh Trần Minh Khai ở thôn 3 (xã Cư Êbur) đang tập trung chăm sóc thanh long vụ Tết với hy vọng giá cả sẽ ổn định hơn. 
Anh Trần Minh Khai ở thôn 3 (xã Cư Êbur) đang tập trung chăm sóc thanh long vụ Tết với hy vọng giá cả sẽ ổn định hơn. 

Thanh long hiện đã vào cuối vụ, chỉ còn một đợt thu hoạch nữa là dứt, nhưng do giá thanh long liên tục ở mức thấp, kéo dài trong suốt mùa thu hoạch rộ trước đó đã khiến các hộ trồng thanh long chuyên canh lỗ nặng.

Trước tình hình này, địa phương khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích mà tập trung đầu tư, chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng diện tích thanh long hiện có để tránh rủi ro về kinh tế.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.