Phát huy nghề mây tre đan truyền thống
Xuất thân trong gia đình có truyền thống đan lát ở làng nghề truyền thống Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nên từ thuở lên 7, ông Đỗ Văn Mậu (sinh năm 1960) đã biết đến nghề đan lát.
Năm 1994, ông theo gia đình vào thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc lập nghiệp. Trên vùng đất mới, ông đã phát huy được nghề truyền thống của cha ông. Ban đầu, ông Mậu tự tìm kiếm vật liệu sẵn có ở địa phương để đan các vật dụng sử dụng trong gia đình và bán cho người dân.
Năm 2001, nhận thấy nguồn nguyên liệu và nhân công dồi dào, có thể nhân rộng mô hình làm giàu cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nên ông mang theo các vật dụng từ ủ ấm, bàn, ghế, giỏ hoa, cơi trầu… tự sản xuất xuống các khu chợ, cửa hàng mỹ nghệ ở TP. Hồ Chí Minh để chào hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường.
Nhờ có tay nghề cao nên sản phẩm làm ra chắc, đẹp, độ bền cao, được người tiêu dùng đón nhận. Khi được thị trường chấp nhận, ông liên kết với các hộ dân trên địa bàn để dạy nghề, hướng dẫn bà con đan lát, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về số lượng và chất lượng. Để tiếp cận với các đối tác lớn (yêu cầu hóa đơn, chứng từ khi mua hàng), năm 2003 ông và 20 hộ dân trong xã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Phú Thịnh. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm HTX sản xuất từ 70.000 - 100.000 sản phẩm, mặt hàng cũng đa dạng theo đơn đặt hàng của các khu du lịch, cửa hàng mỹ nghệ, nhà hàng, khách sạn như giỏ đựng rượu cần, bàn, ghế, chuông gió các loại…
Amí Tú đan giỏ rượu cần cho HTX mây tre đan Phú Thịnh. |
Ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết, HTX Mây tre đan Phú Thịnh là một trong những nhân tố quan trọng có những đóng góp tích cực giúp địa phương đạt chuẩn (năm 2015) và giữ vững xã đạt chuẩn nông thôn mới. |
Với nguyên tắc "lấy chất lượng sản phẩm để xây dựng tên tuổi cho HTX", toàn bộ nguyên liệu sau khi mua ở các huyện trọng điểm là Ea Kar, M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) về được phân loại, xử lý chống mối mọt, sơ chế theo yêu cầu đầu vào của từng sản phẩm và bảo quản theo đúng quy trình. Đồng thời, HTX cũng mua sắm các loại máy móc như máy chẻ song (mua năm 2005), máy chẻ mây (2012) phục vụ sản xuất. Nhờ đó, từ một HTX sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, nay đã chuyển sang dây chuyền hiện đại: mỗi công đoạn có một người phụ trách, mỗi dòng sản phẩm có một nhóm sản xuất chuyên biệt. Do vậy, chất lượng sản phẩm từng bước được nâng lên, hàng làm đến đâu tiêu thụ đến đấy, doanh thu luôn ổn định trên 1 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp ngân sách nhà nước trên dưới 100 triệu đồng.
Ông Đỗ Văn Mậu kiểm tra sản phẩm trước khi xuất bán cho đối tác. |
Hiện nay, HTX đang tạo công ăn việc làm cho hơn 70 lao động địa phương theo hình thức khoán sản phẩm. Là một trong những lao động tiêu biểu, gắn bó với HTX từ những ngày đầu mới thành lập, chị H’Quin (buôn Ea Kmát) cho biết, gia đình chị có 4 khẩu nhưng chỉ có 1 sào rẫy. Vì vậy, năm 2005 chị được HTX hướng dẫn đan lát và gắn bó từ đó đến nay. Hiện tại, hằng ngày chị vẫn phụ chồng làm rẫy, thời gian rảnh còn lại thì nhận vật liệu về đan giỏ đựng rượu cần để tăng thêm thu nhập. Tương tự, Amí Tú (buôn Ea Kmát) năm nay đã hơn 60 tuổi và không thể đi làm rẫy như những năm trước nên bà cũng đang nhận đan giỏ đựng rượu cần cho HTX. Với số lượng bình quân 30-35 sản phẩm/ngày và tiền công là 2.500 đồng/giỏ thì bà không chỉ đủ tiền đong gạo mà còn hỗ trợ con mình một số khoản chi phí sinh hoạt khác.
Hiện tại, nguồn nguyên liệu mây tre đan khai thác chủ yếu theo mùa (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau) và ngày càng giảm mạnh, do đó HTX đang triển khai song song 2 nguyên liệu là mây tre đan tự nhiên và nhựa nhân tạo theo yêu cầu của từng đơn hàng.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc