Multimedia Đọc Báo in

Sức lan tỏa từ Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh

08:56, 24/10/2018

"Mỗi cá nhân với những quyết tâm và ý tưởng sáng tạo thôi thì chưa đủ, cộng đồng khởi nghiệp cần có sự liên kết để tạo sức mạnh cộng hưởng, cùng nhau vượt qua thách thức để khởi nghiệp thành công.” – Đó là thông điệp mà Cuộc thi khởi nghiệp mang đến để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiếp thêm “lửa” cho các bạn trẻ tiếp tục dấn thân với những đam mê, khát vọng của mình.

 Chị Nguyễn Thi Xuân Hương, thành viên nhóm tác giả của Dự án “Liên kết chuỗi hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và chuỗi hệ thống đầu ra trên địa bàn tỉnh” chia sẻ, nhận thấy các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm, nhất là các sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP nên giá cả bấp bênh, không ổn định, chị đã kết hợp với anh Trần Thế Châu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân An để xây dựng chuỗi liên kết cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc thi với tâm thế là học tập, giao lưu và tìm kiếm cơ hội đầu tư, với mong muốn mở rộng chuỗi sản phẩm để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, còn người nông dân yên tâm sản xuất mà không lo về giá, Dự án của nhóm vì vậy được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao và thu hút nhà đầu tư quan tâm bởi ngoài giá trị kinh tế nó còn mang ý nghĩa cộng đồng. Không chỉ đoạt giải Nhì cuộc thi, Dự án của chị còn được kết nối với một số doanh nghiệp trong tỉnh và nhà đầu tư cũng chính là thành viên của Ban giám khảo để tiếp tục phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng với Guest Shark Nguyễn Ngọc Thủy (thành viên Ban giám khảo Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của tỉnh năm 2018) tham quan các gian hàng trưng bày tại cuộc thi.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng với Guest Shark Nguyễn Ngọc Thủy (thành viên Ban giám khảo Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của tỉnh năm 2018) tham quan các gian hàng trưng bày tại cuộc thi.
 

 “Để làm cho cuộc thi trở nên chuyên nghiệp ngay lần đầu tổ chức, UBND tỉnh đã có cách làm đổi mới khi bắt tay với đoàn thể, hội doanh nhân trẻ, doanh nghiệp để cùng thực hiện, đặc biệt có sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.  Kết quả của cuộc thi bước đầu cho thấy mong muốn của Ban tổ chức là hoàn toàn có cơ sở. Với 125 dự án dự thi, 111 dự án vào vòng sơ khảo, 31 dự án vào chung khảo, 10 dự án được vinh danh, đặc biệt đã có rất nhiều dự án kết nối thành công và có sản phẩm thực tế được thị trường chấp nhận, cuộc thi đã trở thành nơi kết nối các ý tưởng để cùng nhau tỏa sáng. Đây chính là những hạt mầm, doanh nhân tương lai của Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đắk Lắk”.

 
Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi


Còn với Dự án “Cốm nghệ Huvahi”, một trong những dự án đã đoạt giải Khuyến khích cũng khá thành công trong việc kết nối từ cuộc thi. Hoàng Văn Huynh, một trong những cộng sự của nhóm dự án chia sẻ: “Cuộc thi đã tạo sức kết nối bất ngờ, sau vòng sơ khảo, cốm nghệ đã có thêm 500 đơn đặt hàng mới. Và trong suốt quá trình cuộc thi, cốm nghệ nhận được nhiều lời động viên và phản hồi tích cực về sản phẩm. Đó cũng là động lực để nhóm không ngừng đầu tư hoàn thiện sản phẩm hơn nữa, làm thêm các sản phẩm để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng hơn”.

Trong khi đó, Dự án “Pizza Bếp Nhà” của Phan Thị Thu Huyền tuy không được lọt vào top 10 dự án trong đêm chung kết xếp hạng, nhưng thông qua cuộc thi, sản phẩm đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng, có nhiều đối tác đặt mối quan hệ hợp tác. Và mục tiêu mở rộng các điểm ở tuyến huyện càng trở nên thuận lợi hơn nhờ sức lan tỏa từ cuộc thi. Đặc biệt, sản phẩm của Huyền cũng được 2 Ban giám khảo quan tâm, đặt vấn đề hợp tác mở rộng tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Sản phẩm của các dự án tham gia cuộc thi thu hút sự quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư.
Sản phẩm của các dự án tham gia cuộc thi thu hút sự quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư.

Và như Nguyễn Thị Thu Phương, người đoạt giải Nhất trong cuộc thi với Dự án Chế biến Mắc Ca chia sẻ: Cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh đã tạo sân chơi bổ ích và trở thành nơi giao lưu, học hỏi, kết nối giữa các bạn trẻ khỏi nghiệp cùng ý chí, vượt qua sự sợ hãi của bản thân. Giá trị lớn nhất của cuộc thi không đến từ giải thưởng mà chính là được nhận nhiều sự động viên, khích lệ tinh thần, cũng như những lời khuyên, tư vấn có giá trị từ các thành viên Ban giám khảo – những người có nhiều kinh nghiệm, từng trải trên con đường khởi nghiệp, giúp khắc phục những khiếm khuyết để dự án được hoàn thiện hơn. Giá trị lớn nhất của cuộc thi mang lại đối với những người trẻ chính là được tiếp thêm “ngọn lửa”, sẵn sàng “cháy” hết mình với những đam mê cũng như đương đầu với mọi thử thách trên con đường mà mình đã lựa chọn.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.