Trở thành triệu phú nhờ trồng xen sầu riêng
Vài năm trở lại đây, mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều gia đình trở thành triệu phú nhờ sầu riêng được mùa được giá.
Gia đình ông Y Mdoi Niê (ở buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) trước đây chỉ trồng chuyên cà phê. Về sau, vườn cây kém năng suất, ông mua giống sầu riêng Dona Techno trồng xen trong rẫy cà phê. Sau hơn 5 năm chăm bón, sầu riêng bắt đầu cho thu quả bói. Từ 7 năm nay, 77 gốc sầu riêng cho sản lượng ổn định ở mức 18 - 20 tấn quả/năm. Với giá bán dao động từ 55 - 60 nghìn đồng/kg, gia đình Y Mdoi thu trên 800 triệu đồng/năm tiền bán sầu riêng. Ngoài ra, ông còn thu thêm hơn 2 tấn cà phê nhân mỗi năm. Nhận thấy việc xen canh sầu riêng với cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa qua ông Y Mdoi tiếp tục trồng thêm 100 gốc sầu riêng ghép trong rẫy cà phê theo tỷ lệ thích hợp để hai loại cây này “dìu” nhau phát triển.
Ông Y Mdoi thu hoạch sầu riêng. |
Tương tự, ông Đặng Đức Tùng (cùng ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) thu hơn nửa tỷ đồng/năm từ 55 cây sầu riêng Dona trồng xen canh với cà phê và bơ Booth. Ông Tùng chia sẻ, trồng sầu riêng không hề đơn giản. Mỗi khi thời tiết thay đổi, cây hay bị nứt thân, xì mủ, khô cành, lở cổ rễ và dễ rụng hoa, quả non hàng loạt nếu gặp trúng đợt mưa kéo dài. Do vậy, người trồng phải thăm vườn thường xuyên, phát hiện những dấu hiệu bệnh kịp thời để xử lý triệt để, tránh lan cả vườn. Để cây sầu riêng cho quả to đẹp, mỗi cây nên để tầm 70 - 80 quả, tưới nước, bón phân hợp lý. Nhờ được chăm sóc kỹ theo đúng kỹ thuật, mỗi năm vườn sầu riêng nhà ông Tùng đạt hơn 14 tấn quả. Với giá bán bình quân trên 55 nghìn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư ông còn lời hơn 600 triệu đồng.
Vườn sầu riêng nhà ông Đặng Đức Tùng trĩu quả. |
Nói về kinh nghiệm trồng sầu riêng xen canh cho năng suất, chất lượng ổn định, ông Mai Đình Phượng (trú tại thôn An Phú, xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar) nắm giữ rất nhiều “bí quyết”, bởi ông là một trong những người tiên phong trồng xen sầu riêng vào vườn cà phê từ năm 1998. Ông kể, thời đó dân trong vùng chỉ chuyên canh cà phê. Về sau năng suất cây cà phê suy giảm, các chuyên gia nông nghiệp khuyên trồng thêm cây tán rộng vào che mát giữ nước cho vườn cà phê. Ông tìm hiểu thì thấy sầu riêng khá phù hợp, đặc biệt loại cây ăn trái này không cạnh tranh chất dinh dưỡng với cà phê. Sau vài năm trồng thử nghiệm, sầu riêng bắt đầu cho quả nhưng quả rất ít, chỉ phát huy tác dụng tạo bóng mát giúp vườn cà phê xanh tươi, trĩu quả. Ông tiếp tục tìm hiểu cách chăm sóc, bắt sầu riêng phải “đẻ” quả trĩu cành như cà phê. Nhiều năm vừa trồng vừa nghiên cứu, ông Phượng đã tìm ra “bí quyết”.
Theo ông, sầu riêng cần tưới nước đều, nhất là thời điểm ra hoa, đậu quả. Khi cây hấp thụ nước đầy đủ sẽ không bị “ngạt” nước nếu gặp phải trời mưa dầm, việc này tránh được hiện tượng rụng hoa quả hàng loạt. Trong lúc cây nuôi quả cần bổ sung nhiều dinh dưỡng để quả to đều, nặng ký, không bị sượng, lép… Kinh nghiệm này giúp vườn sầu riêng nhà ông Phượng luôn sai quả, 100 cây đạt sản lượng ổn định từ 15 - 18 tấn/năm, cho thu lãi trên 900 triệu đồng. Lợi nhuận từ việc bán sầu riêng được ông Phượng dùng mua thêm 1 ha đất để trồng cà phê xen sầu riêng, bơ Booth và hồ tiêu.
Mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, thu được lợi nhuận “kép”. Từ cây trồng phụ, sầu riêng trở thành cây trồng chính giúp nhiều hộ dân trở thành triệu phú.
Djuang Niê - Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc