Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Hướng đi hiệu quả

09:22, 23/10/2018

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ làm thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn thêm hiện đại mà còn góp phần tái cơ cấu kinh tế, nhất là tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, với giá trị GDP khu vực nông nghiệp chiếm trên 45% GDP của tỉnh và tạo việc làm cho gần 70% lao động, Đắk Lắk xác định việc phát triển sản xuất nông nghiệp là yếu tố cốt lõi của xây dựng NTM. Theo đó, giai đoạn 2016-2018, tỉnh tiếp tục triển khai 6 dự án nông thôn miền núi, chủ yếu tập trung chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện hơn 200 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỉnh đã chủ động bố trí nguồn vốn trực tiếp Chương trình xây dựng NTM cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và Văn phòng điều phối để triển khai hơn 120 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã điểm NTM, giúp nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Một số địa phương đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện những mô hình cánh đồng lớn trên lúa nước, cà phê và một số cây trồng khác bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Mô hình cánh đồng mẫu lúa nước ở xã Cư Huê, huyện Ea Kar.
Mô hình cánh đồng mẫu lúa nước ở xã Cư Huê, huyện Ea Kar.

Đặc biệt, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng NTM đã tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã (HTX), trang trại nông nghiệp phát triển. Từ năm 2015 đến tháng 6-2018, đã thành lập mới 109 HTX nông nghiệp; có 160/161 HTX (chiếm 99,4%) đăng ký hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Hiện nay có 43/161 HTX đang hoạt động có liên kết cùng doanh nghiệp, với các mặt hàng nông sản như: cà phê, ca cao, rau, lúa, nấm… Các HTX nông nghiệp đã thực sự là một trong những mắt xích quan trọng, cầu nối liên kết hữu hiệu giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Hình thức liên kết thể hiện ở một số khâu hoặc tất cả các khâu trong chuỗi giá trị như: cung ứng dịch vụ đầu vào; tiêu thụ sản phẩm đầu ra; vừa cung ứng dịch vụ đầu vào vừa tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, có 191 tổ hợp tác đang hoạt động đã tập hợp, liên kết nông dân lại để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiếp cận thị trường nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế cho hộ thành viên, là cơ sở, tiền đề để trong thời gian tới các tổ hợp tác dần chuyển sang HTX.

Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, nhờ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nên sản xuất của người dân phát triển, góp phần tăng thêm thu nhập. Ước tính thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2018 là 27,21 triệu đồng, trong đó, khu vực thành thị là 45,58 triệu đồng; khu vực nông thôn là 21,87 triệu đồng.

Cùng với đó là 968 trang trại trong các lĩnh vực, trong đó có khoảng 342 trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống cho nông dân, đồng thời góp phần định hướng sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi trên địa bàn. Việc đẩy mạnh xây dựng các liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân bước đầu đã khai thác nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất.

Vườn cây mắc ca của HTX Nông nghiệp mắc ca Tân Định (huyện Krông Năng).
Vườn cây mắc ca của HTX Nông nghiệp mắc ca Tân Định (huyện Krông Năng).

Một trong những địa phương thực hiện tốt việc xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là huyện Krông Pắc. Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 9,5% năm, trong đó nông nghiệp đạt 5,73%; tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 56,8%. Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt ước đạt 6.696 tỷ đồng trong năm 2018. Đáng chú ý, huyện đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và nông dân, áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình như Công ty TNHH MTV Cà phê 719 hợp đồng liên kết với nông dân sản xuất, thu mua lúa giống, lúa thịt; các HTX cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi liên kết các hộ nông dân phát triển theo hướng chuỗi giá trị… Các hoạt động trên đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, thu nhập bình quân đạt trên 28 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM của tỉnh, mặc dù đã đạt những kết quả khá tích cực nhưng để thực hiện tốt việc xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương phải tập trung chỉ đạo, dành nguồn lực hỗ trợ cho các đề án, mô hình phát triển sản xuất hiệu quả. Đồng thời, các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.