Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:20, 12/11/2018

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, thời gian qua, huyện Krông Búk đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xác định công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Đề án, trước khi triển khai đào tạo nghề, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện và UBND các xã tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó tư vấn, định hướng nghề nghiệp cụ thể cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, các giáo viên của Trung tâm GDNN – GDTX huyện luôn tận tình chỉ dạy, đổi mới phương pháp dạy học, chỉ dành khoảng 30% thời gian dạy lý thuyết, còn lại thực hành theo cách “cầm tay chỉ việc”. Vì vậy, hầu hết học viên sau khi hoàn thành khóa học đều thực hành khá nhanh chóng và thành thạo.

Anh Nguyễn Đình Cảnh ở thôn Nam Thái, xã Cư Kbô đang chăm sóc đàn gà.
Anh Nguyễn Đình Cảnh ở thôn Nam Thái, xã Cư Kbô đang chăm sóc đàn gà.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Đình Cảnh ở thôn Nam Thái (xã Chư Kbô) chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao, thường xảy ra dịch bệnh. Sau khi tham gia lớp học nghề về chăn nuôi thú y do Trung tâm GDNN – GDTX huyện tổ chức, anh Cảnh đã nắm được chế độ ăn phù hợp, những biểu hiện bệnh thường xuất hiện nên mô hình chăn nuôi của anh ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Cảnh cho biết, hiện nay ngoài 150 con gà giống và 40 con heo, anh còn mở thêm cửa hàng thức ăn gia súc. Nhờ đó, kinh tế của gia đình cũng dần khấm khá hơn.

Xưởng sửa chữa cơ khí của anh Ngô Ngọc Tuấn ở thôn Tân Lập 5, xã Pơng Đrang.
Xưởng sửa chữa cơ khí của anh Ngô Ngọc Tuấn ở thôn Tân Lập 5, xã Pơng Đrang.
 
"Để phát huy được ngành nghề sau đào tạo, với lao động trẻ thì chúng tôi vận động, định hướng cho họ học những ngành nghề có thể làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp, còn đối với lao động có điều kiện sản xuất thì hướng cho họ học nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như các mô hình chăn nuôi, trồng trọt...".
 
Ông Đặng Quảng Ngãi, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Búk

Cũng như anh Cảnh, anh Ngô Ngọc Tuấn ở thôn Tân Lập 5, xã Pơng Đrang "bén duyên" với nghề sửa chữa cơ khí từ năm 2010 nhưng quy mô nhỏ lẻ. Với mong muốn nâng cao tay nghề để làm ra các sản phẩm chất lượng và cải tiến mẫu mã, anh Tuấn đã đăng ký theo học lớp sửa chữa cơ khí tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện. Vận dụng những kiến thức được học, anh Tuấn đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Quy mô xưởng sản xuất, sửa chữa cơ khí của anh ngày càng được mở rộng, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh Tuấn còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê, từ năm 2006 đến nay, huyện Krông Búk đã mở 75 lớp đào tạo nghề cho 1.443 lao động trên địa bàn các xã, tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt 83%. Các lớp dạy nghề đều gắn với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó 42 lớp thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp như: hàn điện, sửa chữa xe gắn máy, may dân dụng và 33 lớp nông nghiệp như: chăn nuôi heo, gà… Theo đánh giá của ông Huỳnh Thuyền, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Krông Búk, phần lớn người lao động trên địa bàn huyện sau khi học các lớp đào tạo nghề đã có sự thay đổi trong tập quán sản xuất, phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo, mạnh dạn tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.