Multimedia Đọc Báo in

Kế hoạch đưa cà phê lên "sàn" quốc tế bất thành

09:15, 21/11/2018

Với mong muốn cà phê của Đắk Lắk nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung được giao dịch trên "sàn" quốc tế nhằm tăng giá trị sản phẩm và nâng cao đời sống người trồng cà phê, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đã được thành lập. Thế nhưng sau gần 10 năm hoạt động với rất nhiều thay đổi và không ít "lình xình", trung tâm này đã bị "khai tử".

Kỳ vọng lớn

Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) là một hạng mục trong tổng thể chợ cà phê Buôn Ma Thuột, chính thức hoạt động từ tháng 12-2008 theo phương thức đấu giá tập trung và công khai, bao gồm giao dịch mua bán ngay và giao dịch mua bán sau. Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc thành viên, dưới sự quản lý của UBND tỉnh Đắk Lắk. Theo quy định, nông dân muốn vào “sàn” chỉ cần có đủ 1 tấn cà phê thì có thể tham gia giao dịch. Hàng hóa của nông dân đưa vào được phía Trung tâm kiểm định chất lượng và phân loại cà phê, sau đó được cấp chứng thư hàng gửi kho và chờ khách mua chốt được giá để bán. Mọi hoạt động mua bán diễn ra thông qua các lệnh trên hệ thống điện tử nên so với giao dịch truyền thống, nông dân sẽ không gặp rủi ro như kiểu mua bán truyền thống khi tư thương vỡ nợ hay bị ép giá. Cùng với đó, phương thức hoạt động của BCEC thông qua đấu giá tập trung nên nông dân có thể bán được giá cao và được thanh toán qua ngân hàng nên rất an toàn.

Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột đìu hiu sau gần 10 năm hoạt động.
Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột đìu hiu sau gần 10 năm hoạt động.

Lý thuyết là thế, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà quan trọng nhất là không thể thu hút được người dân và doanh nghiệp kinh doanh cà phê tham gia nên BCEC chỉ hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Trước tình trạng sau gần 7 năm hoạt động èo uột, đìu hiu của BCEC, UBND tỉnh đã quyết định "thay áo mới" cho BCEC và ngày 10-3-2015, Công ty Cổ phần Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) chính thức ra đời. BCCE ra đời với kỳ vọng còn lớn hơn BCEC bởi có sự tham gia của một số doanh nghiệp và nhất là phương thức hoạt động mới. Theo đề án thành lập, BCCE có bốn cổ đông gồm phần vốn nhà nước đăng ký 32 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam đăng ký góp vốn 33 tỷ đồng, Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Long Yến đăng ký góp 10 tỷ đồng tiền mặt, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 đăng ký 500 triệu đồng. Quan trọng nhất là phương thức hoạt động hoàn toàn mới, được đúc rút từ kinh nghiệm của một số "sàn nông sản" đã thành công trong khu vực như Sàn Bursa - Malaysia với dầu cọ, Sàn Sicom - Singapore với cao su... Thậm chí phát biểu tại lễ khai trương, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, khi đó còn tự tin khẳng định rằng, BCCE giao dịch với hai sản phẩm giao ngay (spots) và hợp đồng tương lai (futures), sẽ kết nối với các sàn giao dịch hàng hóa thế giới như Chicago Mercantile Exchange - CME (sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới đặt tại Mỹ)...

Chia tay “giấc mơ”

Tham vọng thì lớn như vậy nhưng kể từ khi ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đánh tiếng công khai trương đến nay, BCCE "chưa một lần sáng đèn" hoạt động. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có hai yếu tố quyết định đến hoạt động của “sàn” này là vốn và cơ chế hoạt động đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ Long Yến mới góp 1,5 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9  góp 100 triệu đồng. Riêng cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam (đăng ký góp 33 tỷ đồng, trong đó có 12 tỷ đồng là góp bằng phần mềm giao dịch) vẫn... chưa góp đồng nào. Quan trọng hơn, việc giao dịch qua sàn của BCCE đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì còn khá nhiều vướng mắc về pháp lý nên các doanh nghiệp cũng nghi ngại.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự đánh cồng khai trương BCEC với rất nhiều kỳ vọng.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự đánh cồng khai trương BCEC với rất nhiều kỳ vọng.

Không tiền, thiếu cơ chế để hoạt động nên UBND tỉnh, các nhà đầu tư cùng nhau quyết định chấm dứt hoạt động BCCE. Kết quả kiểm toán độc lập cho thấy, sau 3 năm "hoạt động", BCCE lỗ hơn 2 tỷ đồng và sẽ được chia đều cho các cổ đông sáng lập. Trong đó, UBND tỉnh phải bỏ thêm 860 triệu đồng cho BCCE (tương ứng tỷ lệ góp vốn gần 42,4%) để thu hồi dự án. Một lãnh đạo Sở Tài chính khẳng định, từ khi thành lập BCCE chưa hoạt động lần nào. Tuy nhiên chi phí phát sinh để duy trì hoạt động, trả lương nhân viên vẫn phải thực hiện. Những chi phí này chủ yếu lấy từ nguồn vốn góp bằng tiền mặt của các cổ đông. Để có tiền bù lỗ cho BCCE, Sở Tài chính đã đề xuất sẽ lấy kinh phí từ việc cho thuê kho tại trụ sở của BCCE từ đầu năm 2018 đến tháng 6-2019, nếu thiếu sẽ tiếp tục trích ngân sách chi trả.

Từ một đề án đầy tham vọng, có thể nói đến nay BCCE đã mang lại quá nhiều sự thất vọng, và những “lình xình” xoay quanh nó đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Không chỉ câu chuyện “giấc mơ chỉ là giấc mơ”, hậu quả của “giấc mơ” này là cả sự lãng phí nghiêm trọng từ con người đến cơ sở vật chất mà nó mang theo. Hàng chục người lao động, trong đó có những người được đào tạo bài bản, chuyên sâu đã phải “dứt áo ra đi”; mặt bằng, cơ sở vật chất nhiều năm liền bị bỏ hoang phế… nay lại còn phải trích ngân sách đề trả nợ. Đó không chỉ là những “bài toán” đặt ra trước mắt các nhà quản lý mà còn là “bài học” cho những ý tưởng kinh tế trong tương lai.

BCCE có 5 nhà kho, 1 xưởng chế biến và hệ thống sân phơi rộng hàng ngàn mét vuông. Thế nhưng hiện trạng đang là khu đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm và trong thời gian qua chỉ thu được vài chục triệu đồng tiền cho thuê mặt bằng..

Quốc Anh 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.