Multimedia Đọc Báo in

Lộ trình chấm dứt gạch nung: Những khó khăn từ thực tế (Kỳ 1)

07:18, 26/11/2018

Theo Quyết định 35/2014/QĐ-UB, ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh về lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét bằng lò thủ công, đến năm 2020, toàn bộ các lò gạch nung phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương gặp không ít khó khăn.

Kỳ 1: Những áp lực khi các lò gạch đóng cửa

Khó khăn về vốn, nguồn nguyên liệu và cả thị trường đầu ra đã khiến cho nhiều lò gạch thủ công, lò đứng liên tục chưa thể chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung hoặc gạch tuynel.

Nan giải việc giải quyết việc làm

Trên địa bàn huyện Krông Pắc hiện có 5 hợp tác xã (HTX) sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch với 55 chủ cơ sở, quy mô 115 cửa lò gồm: HTX Công nghiệp Ea Yiêng (19 cơ sở, 49 cửa lò, công suất 32 triệu viên/năm); HTX Công nghiệp Ea Uy (18 cơ sở, 36 cửa lò, công suất 76 triệu viên/năm); HTX Công nghiệp Phú Quý (6 cơ sở, 13 cửa lò, công suất 15 triệu viên/năm); HTX Công nghiệp Quyết Tiến (11 cơ sở, 23 cửa lò, công suất 25 triệu viên/năm); HTX Công nghiệp Nhân Tâm (1 cơ sở, 2 cửa lò, công suất 1 triệu viên/năm).

Hoạt động sản xuất gạch tại HTX công nghiệp Ea Uy, huyện Krông Pắc.
Hoạt động sản xuất gạch tại HTX công nghiệp Ea Uy, huyện Krông Pắc.

Để bảo đảm cho hoạt động sản xuất, bình quân mỗi cơ sở có khoảng 20-25 lao động thường xuyên và thời vụ; với 55 chủ cơ sở, toàn huyện hiện có trên 1.000 lao động hiện đang làm việc tại các lò gạch. Theo kế hoạch 49/KH-UBND, ngày 23-3-2018 của UBND huyện, chậm nhất đến 31-12-2020, các lò gạch đất sét nung phải chấm dứt hoạt động. Để thực hiện kế hoạch này, trước đó ngành chức năng của  huyện đã tuyên truyền về các chủ trương, văn bản liên quan của Trung ương và địa phương đến chủ cơ sở các lò gạch cũng như người lao động. Tuy hầu hết các cơ sở sản xuất gạch thủ công và lò đứng liên tục trên địa bàn đều đã nắm được chủ trương, cam kết chấp hành theo lộ trình mà địa phương đã đặt ra nhưng trên thực tế, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, áp lực.

Ông Cao Thành Đệ, Giám đốc HTX Công nghiệp Ea Yiêng cho biết, HTX được thành lập năm 2011 hiện có 18 xã viên hoạt động kinh doanh theo mô hình tự xã viên hạch toán với lượng lao động duy trì từ 420-440 lao động thường xuyên và thời vụ. Đối tượng lao động làm việc tại HTX chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ… nên khi lò gạch đóng cửa thì số lao động này sẽ thất nghiệp. Việc sắp xếp, giải quyết việc làm cho người lao động cũng là một trong những vấn đề nan giải của địa phương hiện nay bởi Ea Yiêng là xã còn khó khăn, đất đai cằn cỗi, mưa thì ngập, nắng thì hạn…

Sau khi có chủ trương của tỉnh, nhiều chủ lò gạch đã đi tham quan các mô hình sản xuất gạch không nung, nhưng kinh phí đầu tư cho dây chuyền sản xuất này quá cao, từ 7-10 tỷ đồng, có nơi lên đến vài chục tỷ đồng.  Cho nên dù thời điểm chuyển đổi sang sản xuất vật liệu không nung, hoặc lò gạch tuynel đang cận kề, hầu hết các lò gạch thủ công trên địa bàn các huyện vẫn chưa sẵn sàng thực hiện.

Còn ở huyện Krông Ana, với 70 cơ sở sản xuất gạch, bình quân mỗi cơ sở có trên 20 lao động làm việc thường xuyên, nếu các cơ sở đóng cửa hết  thì sẽ có cả nghìn lao động thất nghiệp. Đối tượng lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, thiếu đất sản xuất, trình độ học vấn không có hoặc rất thấp nên khả năng chuyển đổi nghề nghiệp cũng gặp khó khăn. Như chia sẻ của những người lao động tại nơi đây, mặc dù đều được chính quyền địa phương tuyên truyền và nắm rõ được lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch nhưng ai cũng cảm thấy lo lắng khi mốc thời gian năm 2020 đang cận kề. Nếu lò gạch đóng cửa, bản thân họ không biết làm gì để có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng (như làm ở các lò gạch hiện nay) trang trải cho cuộc sống gia đình. Công việc của công nhân làm gạch vất vả, nặng nhọc nhưng họ vẫn muốn tiếp tục gắn bó với nghề bởi nó mang lại thu nhập khá ổn định. Những lo lắng của lao động ở các lò gạch cũng là băn khoăn, trăn trở của chính quyền địa phương nơi đây, bởi chuyển đổi nghề nghiệp, sắp xếp việc làm mới cho cả nghìn lao động là vấn đề không hề đơn giản…

Thiếu vốn để chuyển đổi

Qua tìm hiểu thực tế được biết, sản xuất gạch thủ công được xem là nghề truyền thống của nhiều gia đình ở các xã khó khăn của huyện Krông Pắc, Krông Ana... Theo các cơ sở sản xuất gạch ở huyện Krông Pắc, khi UBND tỉnh có chủ trương chuyển đổi từ lò gạch đốt củi sang công nghệ lò nung đứng, nhiều chủ lò đã vay ngân hàng từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng để đầu tư mặt bằng, nguyên liệu, nhà bạt chuyển công nghệ sản xuất gạch. Bên cạnh đó, hằng năm họ còn chi thêm khoảng vài trăm triệu đồng để cải tạo, tu bổ lò gạch. Nhưng sau cả gần 10 năm vay vốn, có HTX chỉ mới hoàn vốn, có đơn vị vẫn trong tình trạng nợ nần, cần thêm một thời gian nữa mới thu hồi lại được chi phí đầu tư ban đầu. Chính vì vậy, chủ trương xóa bỏ hàng loạt lò gạch khiến nhiều chủ lò rơi vào tình trạng rối như tơ vò. Một chủ lò gạch ở xã Ea Yiêng chia sẻ, thực hiện chủ trương chuyển đổi, bản thân gia đình anh đã phải vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng để đầu tư, chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang lò đốt liên tục kiểu đứng. Đến nay, mới trong giai đoạn thu hồi vốn, nên khi huyện chính thức có kế hoạch chấm dứt hoạt động vào năm 2018, cả gia đình gần như đứng ngồi không yên, ngày nào cũng phấp phỏng nghĩ đến lúc phải dừng hoạt động.

Các HTX làm gạch nung vẫn chưa tìm được hướng chuyển đổi phù hợp khi lộ trình chấm dứt hoạt động  đang đến gần.
Các HTX làm gạch nung vẫn chưa tìm được hướng chuyển đổi phù hợp khi lộ trình chấm dứt hoạt động đang đến gần.

Thêm vào đó, việc sử dụng gạch không nung vẫn chưa được người dân hưởng ứng và sử dụng rộng rãi, chỉ có công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước là bắt buộc. Ngoài ra, việc bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chưa thực hiện được vì liên quan đến Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-3-2018, do đó gây khó khăn cho việc chuyển sang lò tuynel, bởi theo quy định việc chuyển đổi từ lò đứng liên tục, lò vòng sang sản xuất gạch nung bằng công nghệ lò tuynel phải có nguồn nguyên liệu đất sét được khai thác hợp pháp...

(Còn nữa)

Kỳ 2: Để vẹn toàn các mục tiêu

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.