Multimedia Đọc Báo in

Nông dân khốn khổ vì tiêu chết bất thường

08:19, 12/11/2018

Mấy tháng trở lại đây, hàng trăm trụ tiêu của nông dân xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) bỗng nhiên héo úa, rụng lá, quả rồi khô dần dẫn đến cây chết hoàn toàn.

Ông Nguyễn Đình Hiền, Chủ tịch UBND xã Cư Dliê Mnông cho hay, trên địa bàn đang xuất hiện tình trạng nhiều diện tích tiêu đột nhiên bị rụng trái, lá rồi chết hàng loạt. Người dân không khỏi lo lắng vì phần lớn là các trụ tiêu đang trong giai đoạn cho thu hoạch. 

Ghi nhận của phóng viên, trong số hơn 600 trụ tiêu trồng xen trong vườn cà phê của vợ chồng chị Nguyễn Thị Tân (thôn 8) đã có nhiều trụ bị rụng lá, trơ cọng rồi chết khô trên cây. Chị Tân cho hay, từ tháng 6 âm lịch, cây đang xanh tốt bỗng dưng héo một vài đọt lá trên ngọn, rồi sau đó lan dần, chưa đầy 1 tuần sau thì rụng lá hàng loạt và cây chết khô. Ban đầu, gia đình chị hốt hoảng khi phát hiện vài trụ tiêu bị thâm đen lá, chết nhưng sau đó thì nhiều trụ sống xung quanh đó cũng rơi vào cảnh tương tự. Tính đến nay, đã có đến hơn 100 trụ tiêu rụng trái và lá dày đặc dưới gốc. Chị Tân kể mà như khóc rằng, vợ chồng chị trồng tiêu từ năm 2014, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2 tấn. Đầu năm nay, thấy vườn tiêu ngày càng xanh tốt và sai quả, chị mừng thầm vì nghĩ rằng sẽ có mùa bội thu để trang trải nợ nần. Vậy mà bây giờ gia đình chị có nguy cơ trắng tay. Số trụ tiêu chết ngày một tăng lên, vợ chồng chị đang tính nhổ bỏ, nhưng chưa biết sẽ trồng cây gì để thay thế.

Vườn tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Tân.
Vườn tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Tân.

Tương tự, 30 trụ tiêu của chị Trương Thị Loan ở rẫy gần đó đang xanh mơn mởn, trĩu quả thì nay cũng chết khô, chỉ còn trơ lại gốc và dây tiêu. Theo chị Loan, cách đây 2 tháng, ra thăm vườn, chị thấy vài đọt lá héo rũ trên ngọn cây, chỉ vài hôm sau thì cây đã chết khô từ ngọn đến tận gốc. Những cây bị chết nhanh thì trong vòng 3-4 ngày, còn cây chết chậm hơn thì khoảng 7 ngày sau khi phát hiện lá bị héo, vàng và từ từ lan xuống gốc, thối rễ. Hiện nay vườn của chị đã có đến mấy chục trụ tiêu bị rụng trái, đài trắng cả gốc như thế.

Không chỉ gia đình chị Tân, chị Loan mà một số hộ trồng tiêu khác ở xã Cư Dliê Mnông cũng lâm vào cảnh tương tự. Nhiều ngày nay, lão nông Phan Văn Lam (thôn 8) đứng ngồi không yên khi nhìn hàng chục trụ tiêu của gia đình bỗng nhiên bị vàng úa lá rồi cả cây chết khô bất thường. Lá héo đến đâu thì quả và đài tiêu rụng đến đó. Để cứu vãn tình thế, ông Lam đã mua thuốc bảo vệ thực vật về xử lý, phun khử trùng đất, nhưng vẫn không ngăn chặn được. Mỗi ngày, lượng trái và đài tiêu rụng càng nhiều hơn. Đến nay vợ chồng ông vẫn chỉ biết ngậm ngùi nhìn diện tích tiêu đang dần mất trắng.

Một trụ tiêu héo vàng và chết hoàn toàn ở vườn của lão nông Phan Văn Lam.
Một trụ tiêu héo vàng và chết hoàn toàn ở vườn của lão nông Phan Văn Lam.

Theo nhiều nông dân ở đây, tiêu bắt đầu với triệu chứng cành, lá khô héo từ trên ngọn cây rồi rụng lá, quả dần xuống gốc. Hơn 1 tuần sau thì cây chết hoàn toàn. Lúc đầu vườn tiêu chỉ bị có vài gốc, nhưng giờ đang có xu hướng lan ra các gốc khác, từ vườn nhà này sang vườn nhà khác. Tiêu không chết đồng loạt mà chết rải rác ở từng khu vực trong vườn. Nhiều người cho rằng, có thể do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài trước đó dẫn đến cây tiêu bị úng rễ, chết.

Ở xã Cư Dliê Mnông, tiêu và cà phê là hai cây trồng mang lại nguồn thu chính cho bà con. Theo tính toán của nông dân, để trồng 1 ha tiêu thì chi phí đầu tư trụ, giống ban đầu khá cao, khoảng 200 triệu đồng. Nếu thuận lợi thì sau 3 năm là bắt đầu cho thu hoạch. Thế nhưng, hiện tại giá tiêu đang giảm, giờ lâm vào cảnh tiêu bị chết dần không thể cứu vãn khiến nông dân càng gặp khó. Theo chính quyền xã Cư Dliê Mnông, tính đến thời điểm này, đã có hơn 15 ha tiêu rơi vào tình trạng chết bất thường như trên.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.