Quản lý cụm công nghiệp theo Nghị định 68: Những vướng mắc từ thực tiễn triển khai
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) đã có những chuyển biến, tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Ngày 25-5-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN, trong đó có những quy định cụ thể về quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh trong CCN; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN và quản lý nhà nước đối với các CCN. Điều này đã tạo hành lang pháp lý và hệ thống chính sách đồng bộ trong công tác quản lý, phát triển CCN tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, để chính sách đi vào thực tiễn, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 68 và xây dựng kế hoạch triển khai. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố về quản lý CCN và giải quyết các thủ tục về dự án xây dựng hạ tầng và dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào CCN theo quy định. Đồng thời, triển khai Quyết định số 587/QĐ-UBND ngày 14-3-2017 của UBND tỉnh về Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 14 CCN và 1 CCN - tiểu thủ công nghiệp, giai đoạn 2021-2025, bổ sung thêm 9 CCN mới, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 80% đối với các CCN đã đi vào hoạt động, 40-50% đối với các CCN mới thành lập; tập trung hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng các CCN hiện hữu và phát triển thêm các CCN mới theo nhu cầu thực tế.
Một dự án chế biến thức ăn gia súc trong Cụm công nghiệp Ea Đar. |
Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích hơn 692 ha, trong đó, 8 CCN vừa đầu tư cơ sở hạ tầng vừa tiến hành kêu gọi, thu hút dự án đầu tư, với tổng diện tích 427 ha, trong đó diện tích đất sản xuất công nghiệp hơn 309 ha. Hiện đã có 142 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào các CCN này, với tổng diện tích 235 ha, tỷ lệ lấp đầy 76 %, với tổng số vốn đăng ký đầu tư ban đầu 4.336 tỷ đồng. Vốn đầu tư hạ tầng CCN đã thực hiện đạt 292,3 tỷ đồng (tương đương hơn 23% kế hoạch phê duyệt), trong đó, ngân sách Trung ương hơn 38 tỷ đồng, ngân sách địa phương 133 tỷ đồng, còn lại là vốn của doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp dịch vụ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 68 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, khoản 2, Điều 20 của Nghị định này quy định chủ đầu tư được huy động vốn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, tuy nhiên việc huy động như thế nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, nhất là đối với các dự án do Trung tâm phát triển CCN các huyện, thành phố làm chủ đầu tư. Ngoài ra, chưa quy định rõ ràng việc bàn giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN từ các đơn vị sự nghiệp công lập sang các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng để đầu tư mở rộng CCN; một số CCN do chưa có chủ đầu tư hạ tầng hoặc chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết dẫn đến triển khai việc xây dựng hạ tầng không thực hiện được. Bên cạnh đó, địa phương cũng gặp vướng mắc trong công tác phát triển CCN do chưa có thông tư chi tiết về mô hình quản lý CCN, nhất là tổ chức, hoạt động của Trung tâm phát triển CCN, Ban quản lý CCN cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công thương được giao đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Một khó khăn nữa là các bộ, ngành Trung ương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hình thức đối tác công tư (PPP) và ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án hạ tầng và sản xuất kinh doanh trong CCN…
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Đắc Hải (CCN Tân An 1). |
Hy vọng những bất cập nêu trên đây sớm được các ngành, cấp thẩm quyền tháo gỡ để thúc đẩy việc xây dựng hạ tầng cũng như phát triển sản xuất kinh doanh ở các CCN.
Các CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết trên địa bàn tỉnh hiện đang quản lý, kinh doanh cơ sở hạ tầng theo 3 mô hình khác nhau: CCN tại TP. Buôn Ma Thuột do doanh nghiệp quản lý; tại huyện Cư Kuin là Trung tâm phát triển CCN; tại các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Pắc, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Năng, Ea Súp, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ do UBND cấp huyện quản lý thông qua Ban quản lý hoặc Phòng Kinh tế - Hạ tầng. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc