Thanh niên nông thôn huyện Krông Búk năng động khởi nghiệp
Trong phong trào khởi nghiệp, nhiều thanh niên huyện Krông Búk đã tích cực sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, xây dựng thành công nhiều mô hình.
Anh Nguyễn Văn Châu (SN 1990, ở buôn Ea Dho, xã Cư Pơng) được nhiều người biết đến nhờ bản tính cần cù, chịu khó và đạt thu nhập cao từ mô hình trồng đa cây trên một diện tích. Do gia đình neo người nên sau khi học hết lớp 12, anh Châu ở nhà phụ giúp bố mẹ. Gia đình có 2,6 ha cà phê đã già cỗi, anh Châu đã tiến hành nhổ bỏ hết để trồng lại cà phê giống ghép mới, trồng xen thêm 40 cây sầu riêng Dona, hơn 50 cây bơ booth và bơ sáp. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân vi sinh và phân chuồng hợp lý nên cà phê và cây ăn trái đều phát triển tốt và cho năng suất cao, trung bình mỗi năm đạt 3,5 - 4 tấn cà phê nhân/ha, 5 tấn sầu riêng, hơn 500 kg bơ… đem lại tổng thu nhập hơn 500 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Châu với mô hình đa cây trong vườn nhà. |
Anh Đỗ Văn Thủy (SN 1985, ở thôn Ea Nguôi, xã Cư Né) là một đoàn viên năng động, mạnh dạn trong phát triển kinh tế. Để chuẩn bị khởi nghiệp, anh Thủy đã tìm hiểu các mô hình phát triển chăn nuôi trên sách báo và Internet. Năm 2015, khi nhận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Thủy đã quyết định thực hiện mô hình nuôi chim bồ câu.
Anh Đỗ Văn Thủy chăm sóc đàn chim bồ câu. |
Anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội LHTNVN huyện, Chủ nhiệm CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi huyện Krông Búk
|
Dựa trên tình hình thực tế, anh làm chuồng trong vườn nhà và mua 30 đôi chim giống bồ câu Pháp về nuôi, bởi theo anh tham khảo thì loại bồ câu này có chất lượng thịt thơm ngon và thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, dễ nuôi, kháng bệnh tốt nên hạn chế được nhiều rủi ro do thời tiết thay đổi và dịch bệnh. Nguồn thức ăn của chim được tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp, như: thóc, ngô, gạo, đậu... Thời gian nuôi cho đến khi xuất chuồng nhanh. Đối với bồ câu thịt nuôi từ 2 - 5 tuần và bồ câu giống nuôi từ 8 - 20 ngày là có thể xuất bán. Một đôi chim bồ câu có thể sinh sản từ 8 - 10 lứa/năm. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng, ngay năm đầu đã có nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện đến tận nhà để đặt mua. Sau thời gian chăn nuôi, anh Thủy thấy mô hình này phù hợp và có thu nhập khá nên từ 30 đôi chim nuôi năm đầu tiên, anh đã nhân rộng và phát triển đến hàng trăm đôi. Từ hộ nghèo, gia đình anh đã vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả trong thôn.
Tuy nhiên, anh không dừng lại ở kết quả đã đạt được mà luôn mạnh dạn tìm hướng đi mới. Vừa qua anh đã quyết định chuyển giao số bồ câu gia đình đang nuôi và kỹ thuật chăm sóc cho một số hộ có nhu cầu để tập trung làm vườn. Theo anh Thủy chia sẻ, trước đó gia đình đã có sẵn 1,5 ha cà phê trồng xen với cây sầu riêng, bơ, tiêu và cây mắc ca. Sau thời gian làm ăn tích lũy, anh đã mua thêm 1 ha rẫy tại buôn Mùi 3. Nhằm đi theo hướng sản xuất bền vững với mô hình đa cây, anh quyết định tập trung vào chăm sóc cây trồng, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc