Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp

09:01, 28/12/2018

Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên nông dân tiếp cận với công nghệ thông tin để ứng dụng vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trước đây, gia đình ông Trần Nên ở thôn 6, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo thói quen, do hạn chế trong tiếp cận thông tin cũng như điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên nhiều năm liền sản phẩm làm ra không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ tiếp cận được kiến thức về mô hình trồng sả chanh qua mạng internet, ông Nên đã mạnh dạn chuyển đổi gần 3 ha đất trồng hoa màu trước đây sang trồng loại cây này. Đến nay, cây sả chanh đang bắt đầu cho thu hoạch và được một cơ sở chế biến tinh dầu trên địa bàn xã liên kết thu mua, dự tính sau khi trừ chi phí gia đình ông Nên lãi gần 200 triệu đồng/năm.

Hội Nông dân tỉnh tặng dàn máy vi tính cho mô hình điểm về ứng dụng công nghệ thông tin tại xã Hòa Lễ  (huyện Krông Bông).
Hội Nông dân tỉnh tặng dàn máy vi tính cho mô hình điểm về ứng dụng công nghệ thông tin tại xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông).

Ông Nên chia sẻ: "Cũng nhờ được tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân, biết cách tiếp cận nguồn thông tin từ internet, tôi mới có cơ hội chuyển đổi giống cây trồng nâng cao thu nhập cho gia đình. Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, Hội Nông dân các cấp cần hướng dẫn cách sử dụng mạng internet cho nông hộ một cách cụ thể, giúp họ tra cứu các thông tin về thời tiết, thổ nhưỡng, giống cây trồng, vật nuôi thích hợp cũng như tham khảo về phân bón, thuốc trừ sâu, phòng trừ dịch bệnh… để có thể ứng dụng hiệu quả vào nông vụ của mình".

 
“Ngoài việc hỗ trợ thành lập, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, Hội Nông dân tỉnh hiện đang triển khai các chương trình tập huấn nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ hội viên nông dân tại các địa phương, giúp bà con làm quen với những thao tác cơ bản như hiểu sơ bộ về máy tính, soạn văn bản, lưu trữ và quản lý thông tin”.
 
 
Ông Nguyễn  Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
 

Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ thông tin được coi là "chìa khóa" đem đến thành công cho sản xuất nông nghiệp thời kỳ hội nhập. Nhưng thực tế cho thấy hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp của nông dân vẫn còn  nhiều khó khăn, hạn chế,  nguyên nhân do nông dân không biết nhiều về công nghệ.

Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư công nghệ thông tin đối với lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Vừa qua, Hội Nông tỉnh đã thành lập mô hình điểm về ứng dụng công nghệ thông tin tại xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông). Mô hình này nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ Hội Nông dân xã trong lãnh đạo, điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công tác Hội cũng như phong trào nông dân; khuyến khích hội viên, nông dân tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp, nông thôn.

Bà Trần Thị Kim Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, Trưởng Ban quản lý mô hình cho hay, để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới, Hội sẽ chỉ đạo 100% chi hội nông dân trên địa bàn xã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Mục tiêu trong năm 2019, mô hình sẽ tổ chức tập huấn cho ít nhất 60 cán bộ, hội viên nông dân về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai công tác hội và phong trào nông dân.

Hội viên nông dân xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) tìm kiếm thông tin về nông nghiệp trên điện thoại thông minh để ứng dụng trong sản xuất.
Hội viên nông dân xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) tìm kiếm thông tin về nông nghiệp trên điện thoại thông minh để ứng dụng trong sản xuất.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho hội viên. Trong đó đặc biệt chú trọng giới thiệu về mạng xã hội, kết nối và tìm kiếm thông tin trên internet cũng như các công cụ hữu hiệu của Google để hội viên nông dân nhanh chóng tiếp cận được với các công nghệ cao, công nghệ mới, từ đó có thể học hỏi, sáng tạo, cải tiến quy trình sản xuất nông nghiệp, nắm bắt tình hình thị trường, tìm kiếm đầu vào, đầu ra cho các loại sản phẩm, chủ động tiếp thị sản phẩm của mình cũng như các chủ trương, chính sách của nhà nước liên quan đến nông nghiệp...

Vân Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.