Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp ở Cư Klông

08:39, 18/12/2018

Đến xã vùng sâu vùng xa Cư Klông (huyện Krông Năng) bây giờ, ngoài cà phê, người ta nhắc nhiều hơn đến các loại cây trồng khác như bơ, sầu riêng và hồ tiêu.

Với trên 3.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích khoảng 1.500 ha. Rục rịch từ năm 2010 và cao điểm vào hai năm 2015 - 2016, người dân đua nhau chặt phá cây cà phê để trồng hồ tiêu với diện tích lớn, không theo quy hoạch. Trên quan điểm chỉ đạo duy trì diện tích cây cà phê hiện có, không để xảy ra tình trạng ồ ạt phá bỏ cây cà phê để trồng hồ tiêu, hướng phát triển cụ thể cho nông nghiệp xã chính thức được định hình bắt đầu từ nghị quyết chuyên đề mà Đảng ủy xã Cư Klông xây dựng vào năm 2016 - Nghị quyết về trồng xen cây hồ tiêu và một số cây ăn quả vào vườn cà phê giai đoạn 2016 - 2020.

Nghị quyết xác định rõ cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, có thế mạnh trên địa bàn xã, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Việc phát triển trồng xen cây hồ tiêu, sầu riêng, bơ vào vườn cà phê là nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Vùng quy hoạch cũng được chỉ rõ: quy hoạch trồng ở tất cả các thôn nhưng chủ yếu tập trung vào các thôn Tam Bình, Tam Hợp, Tam Hà, Tam Thuận, Tam Khánh và Ea Bir, với diện tích từ 1.000 ha trở lên vào năm 2020.

Bơ Booth trồng xen trong vườn cà phê của gia đình anh Phạm Hồng Thái (thôn Tam Thuận) cho năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Bơ Booth trồng xen trong vườn cà phê của gia đình anh Phạm Hồng Thái (thôn Tam Thuận) cho năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Để hỗ trợ bà con, chính quyền xã lựa chọn nhiều giải pháp: tổ chức các hội thảo, các chương trình tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm các vườn trồng xen cây hồ tiêu và các loại cây ăn quả vào vườn cà phê tại một số xã trên địa bàn huyện. Các mô hình đã có (đạt giá trị cao từ 100 - 500 triệu đồng/ha) trên địa bàn; các mô hình sản xuất tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, các cây trồng mới ở các địa phương khác, đặc biệt là mô hình do người dân tự tìm tòi đạt hiệu quả cao được quan tâm tổ chức giới thiệu nhân rộng. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã đối thoại với ban tự quản các thôn và những hộ làm kinh tế giỏi để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cách làm hay của từng thôn và từng hộ gia đình. Các giải pháp đối với từng diện tích vườn cây cụ thể cũng được xác định. Đó là ở những diện tích cà phê đã già cỗi, năng suất thấp thì vận động bà con phá bỏ và tiếp tục tái canh cây cà phê, đồng thời trồng xen cây hồ tiêu và các loại cây ăn quả có giá trị. Những diện tích đất trống, đất tận dụng, đất mà các hộ gia đình chưa có kế hoạch trồng cây gì thì tiến hành trồng cây hồ tiêu, cây ăn quả.

Anh Phạm Hồng Thái (thôn Tam Thuận, xã Cư Klông) đưa khách đi tham quan vườn cà phê xen tiêu và bơ của gia đình.
Anh Phạm Hồng Thái (thôn Tam Thuận, xã Cư Klông) đưa khách đi tham quan vườn cà phê xen tiêu và bơ của gia đình.

Hướng phát triển đa cây, trồng xen canh được hầu hết người dân nắm bắt và rất đồng thuận. Trong đó bơ, sầu riêng, hồ tiêu là những cây trồng được bà con lựa chọn nhiều nhất với trên 30 mô hình đã trồng xen bơ vào vườn cà phê. Thôn Tam Thuận được coi là một trong những địa phương phát triển khá mạnh hướng canh tác này. Đơn cử như gia đình anh Phạm Hồng Thái, trên diện tích 3 ha cà phê được trồng từ năm 1994, anh đã chuyển đổi và trồng xen thêm những cây trồng khác. Hiện gia đình có 2 ha bơ, 1 ha sầu riêng và tiêu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Còn gia đình anh Vũ Anh Tú thì “nổi danh” với 3 ha bơ, sầu riêng, tiêu xen cà phê được đầu tư khá bài bản, có lắp đặt cả hệ thống camera giám sát. Anh Tú cho hay chỉ tính riêng cây bơ trung bình mỗi năm mang lại cho gia đình nguồn thu nhập 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Cư Klông khẳng định: Trồng xen canh được coi là giải pháp xuyên suốt, là bước đi bền vững trong quá trình sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế địa phương. Thực hiện nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã về trồng xen cây hồ tiêu và một số cây ăn quả vào vườn cà phê giai đoạn 2016 - 2020, chính quyền xã luôn xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ cụ thể, có lộ trình, bước đi, đề ra chỉ tiêu cụ thể cho từng năm. Theo đó, các chỉ tiêu về phát triển cây trồng, địa phương đều đạt và duy trì ổn định, kiểm soát được diện tích trong quy hoạch.

Minh Tính


Ý kiến bạn đọc