Multimedia Đọc Báo in

Nông dân M'Đrắk phát triển kinh tế từ các hoạt động hỗ trợ sản xuất

07:55, 25/12/2018

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện M’Đrắk đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trên địa bàn huyện, từ đó tạo điều kiện cho nhiều hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Trong năm 2018, Hội Nông dân huyện M’Đrắk đã phối hợp tổ chức được 11 lớp tập huấn, 5 cuộc hội thảo đầu bờ hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa lai, ngô lai, mía, trồng cây thức ăn cho gia súc, ủ phân vi sinh, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thu hút gần 700 lượt cán bộ khuyến nông, hội viên nông dân tham gia. Bên cạnh đó, để hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân huyện M’Đrắk đã vận động các cấp hội xây dựng quỹ hội được gần 500 triệu đồng; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 800 triệu đồng cho 23 hội viên, nông dân vay để đầu tư xây dựng mô hình tổ hợp tác trồng cây ăn trái; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gần 100 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế.

Mô hình trồng cây ăn trái công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Văn Đức, thôn 3,  xã Cư Prao, huyện M'Đrắk.
Mô hình trồng cây ăn trái công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Văn Đức, thôn 3, xã Cư Prao, huyện M'Đrắk.

Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều nông dân đã được tạo điều kiện đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, cải thiện cuộc sống. Như chị Đặng Thị Dung (thôn 19, xã Ea Riêng) đã được tiếp cận với kỹ thuật nuôi gà thả vườn khi tham gia lớp tập huấn chăn nuôi gà lai do Hội Nông dân xã Ea Riêng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện M’Đrắk tổ chức. Kết thúc khóa học, chị Dung được tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi gà do Hội Nông dân xã thành lập, có điều kiện giao lưu học hỏi cách chăn nuôi đạt hiệu quả và tìm được hướng tiêu thụ cho sản phẩm. Từ các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi tích lũy được, gia đình chị Dung đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trên 500 con gà lai, 20 con dê, trồng 2 ha cà phê, 2,5 ha rừng nguyên liệu giấy với  nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm.

Cũng nhờ sự tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân địa phương, gia đình ông Nguyễn Gia Thiện (ở thôn 9, xã Ea Riêng) đã chọn phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi heo theo hướng hàng hóa là hướng đi lâu dài của gia đình. Ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại với diện tích 1.700 m2 theo hình thức khép kín, chuồng trại được ngăn thành các dãy phù hợp cho từng loại heo như: heo nái đẻ, heo thịt, heo giống… để áp dụng chế độ dinh dưỡng và phương pháp chăm sóc thích hợp. Ông Thiện cũng chọn giống heo từ những công ty có uy tín, được kiểm nghiệm và có xuất xứ con giống rõ ràng. Nhờ cách chăn nuôi đúng kỹ thuật nên đàn heo của gia đình ông phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh, chất lượng thịt, tỷ lệ nạc cũng cao hơn. Đến nay, gia đình ông luôn duy trì quy mô đàn heo 400 con với mức thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm.

Còn gia đình Nguyễn Bá Dũng (tổ dân phố 1, thị trấn M’Đrắk) trước đây nuôi lươn theo hình thức truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2018, ông Dũng tham gia lớp tập huấn nuôi lươn thương phẩm trong bể xi măng do Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Hội Nông dân huyện phối hợp với Công ty TNHH An Trang (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức. Với những kiến thức tích lũy được, ông đã mạnh dạn nuôi 1.400 con lươn trong bể xi măng không bùn với diện tích 20 m2/bể, mật độ thả 70 con/m2 theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn. Trong quá trình nuôi cho thấy, tỷ lệ lươn sống trên 78%, trọng lượng trung bình từ 100 - 120g/con; sau khi trừ chi phí, với giá bán 180.000 đồng/kg, gia đình ông Dũng có thu nhập trên 5 triệu đồng/lứa, cao hơn rất nhiều so với việc nuôi lươn theo phương thức truyền thống.

Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.