Multimedia Đọc Báo in

Nông dân M'Đrắk "thờ ơ" với cây mía

08:38, 12/12/2018

Trước tình trạng nhiều năm liền tiến độ thu hoạch quá chậm, thời tiết hạn hán ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, đến kỳ thu hoạch thì gặp thời tiết mưa bão gây gãy đổ giảm sản lượng..., nông dân nhiều địa phương ở huyện M’Đrắk không còn thiết tha với việc trồng mía.

M’Đrắk là vùng mía nguyên liệu lớn của tỉnh với diện tích mía không ngừng được mở rộng. Đặc biệt là từ tháng 12-2009, khi UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường 333 (thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) thì cùng với sự phát triển của nhà máy, cây mía ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở M’Đrắk; nhiều diện tích đất trước kia bị bỏ hoang cũng được cày xới và đưa vào trồng mía.

Các công ty mía đường trong và ngoài tỉnh như Công ty Cổ phần Mía đường 333, Nhà máy Mía đường Cư Jút, Công ty Cổ phần Mía đường Ninh Hòa, Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa)... cũng đến ký hợp đồng trồng mía với nông dân huyện M’Đrắk và có rất nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho nông dân như: hỗ trợ làm đất, phân bón, thuốc trừ sâu, cung cấp mía giống,… Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho bà con trong mùa thu hoạch, các nhà máy thường ứng tiền trước cho nông dân để giải quyết nguồn vốn sản xuất và công chặt mía cây, khi thu hoạch thì công ty cho xe đến tận ruộng thu mua nên nông dân rất yên tâm canh tác.

Người dân xã Ea Pil (huyện M'Đrắk) thu hoạch mía niên vụ 2017 - 2018.
Người dân xã Ea Pil (huyện M'Đrắk) thu hoạch mía niên vụ 2017 - 2018.

Tuy nhiên, những năm gần đây, vì nhiều lý do như tiến độ thu hoạch quá chậm; thời tiết bất lợi gây ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, sản lượng cây mía; lại thêm vùng nguyên liệu ở các địa phương khác tăng lên nên nông dân huyện M’Đrắk dường như không còn thiết tha với cây mía.

Từ nhiều năm nay, mía là loại cây trồng chủ lực, góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân xã Krông Á. Mỗi năm, nông dân xã Krông Á trồng bình quân trên 400 ha mía. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã đã quyết định rời bỏ cây mía, chuyển sang các cây trồng khác. Như ông Vũ Đình Thi (thôn 1) là một trong những hộ đầu tiên trồng mía ở xã Krông Á từ năm 2001. Với gần 4 ha mía, những năm đầu, năng suất cây mía đạt khoảng 65 tấn/ha, giá bán 230.000 - 300.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí thì lãi hơn 10 triệu đồng/ha, gấp 2 - 3 lần so với các loại cây trồng khác, giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định và lo cho con cái học hành. Thế nhưng, gần đây khi thu nhập từ cây mía ngày càng bấp bênh gia đình ông Thi đã quyết định chuyển đổi dần diện tích mía sang trồng các loại cây khác. Năm 2015, sau khi thu hoạch 3 ha mía còn lại, ông Thi đã quyết định phá mía để trồng rừng.

Năm 2018, huyện M’Đrắk dự kiến trồng 7.310 ha mía (giảm 40 ha so với năm 2017), năng suất ước đạt 76,9 tấn/ha, sản lượng trên 490.000 tấn. Tuy nhiên, trên thực tế, nông dân chỉ trồng được 6.633 ha trong cả hai vụ đông xuân và hè thu, đạt hơn 90% kế hoạch.

Tương tự, ở xã Cư Prao, nơi được xem là “thủ phủ” mía đường của huyện M’Đrắk, từ đầu năm 2018 đến nay, người dân đã phá bỏ 850 ha mía già cỗi (năm thứ ba, thứ tư) để trồng các cây khác như mè, sắn, gừng, các loại cây lâu năm... Điển hình như gia đình anh Trịnh Văn Mùi (thôn 7) trước đây có 3,8 ha mía nhưng năm nay chỉ còn lại 1,9 ha; anh Mùi dự định sau khi thu hoạch vụ này sẽ không trồng mía nữa.

Tại nhiều cánh đồng mía ở xã Cư Prao, dù mía vụ này đã hơn 5 tháng tuổi nhưng phần lớn sinh trưởng kém, lá vàng, thân nhỏ, ít lóng do từ đầu vụ xuống giống gặp hạn kéo dài... Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 đã làm trên 55% diện tích mía của xã bị đổ ngã khiến năng suất giảm mạnh, cùng với giá mía thấp, chi phí thu hoạch tăng cao nên người trồng mía thất thu. Mặt khác, tiến độ thu hoạch mía quá chậm kéo dài đến cuối tháng 6-2018 do các nhà máy đường đồng loạt giảm sản lượng thu mua trên địa bàn huyện M’Đrắk. Những khó khăn liên tiếp khiến người nông dân ngày càng ít mặn mà với cây mía. Ông Nhữ Văn Khỏe, Chủ tịch UBND xã Cư Prao cho biết: Theo kế hoạch sản xuất năm 2018, trong tổng diện tích đất gieo trồng hằng năm trên 7.000 ha, xã có hơn 2.850 ha trồng mía. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi kết thúc gieo trồng, xã chỉ thực hiện được 2.000 ha, đạt 70,2% kế hoạch.

Nông dân xã Krông Á thu hoạch mía niên vụ 2017-2018.
Nông dân xã Krông Á thu hoạch mía niên vụ 2017-2018.

Trước tình trạng nông dân ở vùng nguyên liệu mía đang có xu hướng “quay lưng” với cây trồng này, thiết nghĩ chính quyền địa phương, các đơn vị đầu tư vùng nguyên liệu cần có giải pháp hỗ trợ để giúp người dân duy trì nguồn thu ổn định từ cây mía  và tiếp tục đầu tư trồng mía.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.