Sinh viên khởi nghiệp từ trồng rau hữu cơ
Từ 4 tháng nay, trên khu đất rộng khoảng 5 sào gần khu vực ký túc xá Trường Đại học Tây Nguyên được dọn sạch cỏ và trồng lên những luống rau cải, rau muống, đậu bắp, mồng tơi, cà rốt… xanh mơn mởn; thấp thoáng bóng dáng những chàng trai, cô gái trẻ măng làm nông dân bắt sâu, dọn cỏ, cắt rau...
Đó chính là nông trại rau hữu cơ khởi nghiệp của những chàng kỹ sư, cử nhân sắp tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên: Nguyễn Văn Linh (khoa Kinh tế), Trần Đăng Hưng và Nông Đình Lâm (ngành Lâm sinh, khoa Nông lâm).
Trở về nước sau gần một năm theo học nông nghiệp cao tại Israel theo chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Tây Nguyên và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Ramat Negev, Hưng và Lâm muốn áp dụng những kiến thức đã được học vào việc xây dựng một trang trại rau hữu cơ. Còn Linh là sinh viên khoa Kinh tế , song cũng có chút “dính dáng” đến… rau, bởi gia đình trồng rau, nhận thấy nhu cầu của người dân muốn được sử dụng sản phẩm nông sản sạch ngày càng cao. Gặp nhau ở ý tưởng, ba chàng trai cùng bỏ vốn để thực hiện dự án của mình. Được sự giúp đỡ của một giảng viên khoa Nông lâm, nhóm đã được Trường Đại học Tây Nguyên cho mượn 5 sào đất trong khuôn viên trường.
Nguyễn Văn Linh (phải) cùng các bạn sinh viên trong trường tìm hiểu, trao đổi về cách xử lý sâu bệnh trên rau. |
Vốn đầu tư được sử dụng mua máy cày, bừa, lắp đặt hệ thống tưới tự động, mua giống. Cả ba “ông chủ” đích thân ra ruộng làm đất, gieo giống, bắt sâu, nhổ cỏ rồi tự ủ phân hữu cơ, làm các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học để bón, phun cho rau; thỉnh thoảng nhóm phải thuê thêm một số bạn sinh viên phụ giúp một số việc nông trại. Thời gian đầu, trang trại chủ yếu trồng các loại rau ăn lá như: các loại cải, mồng tơi, rau muống, rau dền… rồi trồng đậu cove, cà rốt, đậu bắp; sau đó trồng thêm rau mầm trong nhà lưới. Yếu tố an toàn được tuân thủ nghiêm túc trong suốt quy trình từ gieo giống, chăm sóc đến khi thu hoạch bởi như các thành viên trong nhóm chia sẻ: “Chúng em muốn sản phẩm của mình thực sự là hữu cơ, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Để tránh sâu bệnh, các kỹ sư nông nghiệp của vườn rau chú trọng nhiều đến khâu phòng bệnh bằng cách xử lý đất thật kỹ, chọn giống cẩn thận. Trong quá trình trồng, mỗi khi rau xuất hiện những dấu hiệu bất thường, cả nhóm lại cùng thảo luận bàn bạc, tham khảo ý kiến thầy cô, bạn bè tìm cách xử lý. Song song với đó, nhóm còn tự liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách tiếp thị với các cửa hàng rau an toàn, công ty thực phẩm, quảng cáo trên mạng xã hội. Nguyễn Văn Linh cho biết: “Sau hai tháng là vườn rau đã cho thu hoạch. Hiện nay, mỗi ngày chúng em thu khoảng 30 kg rau các loại, chủ yếu bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch, Công ty Rau sạch Nico Nico Yasai để họ xuất đi TP. Hồ Chí Minh và bán lẻ cho thầy cô, sinh viên trong trường. Chúng em nhận đặt rau và vận chuyển rau đến tận nơi cho khách hàng có nhu cầu. Doanh thu mỗi ngày hiện khoảng 1 triệu đồng”.
Ngoài trồng rau ăn lá, nhóm còn trồng rau mầm trong nhà lưới. |
Dù thu chưa đủ bù chi nhưng những ý tưởng và quyết tâm mạnh dạn khởi nghiệp trên cơ sở vận dụng chính kiến thức đã được trang bị ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học của Linh, Hưng và Lâm được thầy cô và bạn bè đánh giá cao. Tiếp tục hiện thực hóa những kế hoạch khởi nghiệp đã ấp ủ bấy lâu, cả nhóm đã thuê thêm 5 sào đất ở xã Hòa Khánh để mở rộng quy mô vườn rau; triển khai trồng đa dạng các loại rau ăn trái như bầu, bí, cà chua… và trồng cả dưa lưới. Để hoạt động của nông trại chuyên nghiệp hơn, mỗi thành viên trong nhóm phụ trách một lĩnh vực: Linh đảm trách về mảng marketing, Hưng quán xuyến việc sản xuất tại vườn, Lâm “thầu” mảng kỹ thuật. Nhóm cũng ấp ủ ý định thành lập doanh nghiệp, xây dựng một chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch và mở rộng trồng thêm rau thủy canh.
Đàm Hồng
Ý kiến bạn đọc