Vươn lên nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội
Những năm gần đây, nhờ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều người dân huyện Lắk đã có thêm cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.
Hiện trên địa bàn huyện Lắk có 3.679 lượt khách hàng vay vốn tại NHCSXH huyện với tổng dư nợ hơn 300 tỷ đồng. Nhằm kịp thời khắc phục, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vay vốn, tạo điều kiện để vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các Hội đoàn thể các cấp nhận ủy thác. Hiện Hội Nông dân đã tín chấp cho 3.952 hộ vay, Hội Phụ nữ có 2.938 hộ, Hội Cựu chiến binh có 1.296 hộ, Đoàn thanh niên 2.220 hộ vay vốn từ các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn… để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất.
Anh Vương Văn Đạo (giữa) giới thiệu mô hình trồng dâu nuôi tằm. |
Nhờ sử dụng hiệu quả vốn NHCSXH, những năm qua đời sống người dân tại đây có nhiều chuyển biến tích cực. Xác định nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH là cơ hội, điểm tựa để vươn lên nên nhiều người dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mạnh dạn tìm hướng đi mới, phù hợp để từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Toàn huyện Lắk hiện có 11 điểm giao dịch định kỳ hằng tháng của NHCSXH tại các xã, thị trấn với 250 tổ tiết kiệm và vay vốn, hầu hết các tổ hoạt động ổn định và hiệu quả. Nhờ vậy, trong 9 tháng đầu năm 2018 tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn toàn huyện chỉ có 0,13%. |
Trước đây gia đình anh Vương Văn Đạo (buôn Đắk Tro, xã Krông Nô) thuộc diện hộ nghèo nhất buôn. Năm 2001, anh Đạo từ Cao Bằng vào buôn Đắk Tro lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Không đất sản xuất, gia đình anh phải mượn đất của người thân để trồng trọt, kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt nên kinh tế rất khó khăn.
Trong giai đoạn 2009 - 2017 anh đã ba lần vay vốn NHCSXH với số tiền 60 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản và chăm sóc cà phê. Nguồn thu từ bò và cà phê, anh đầu tư mua thêm 3 sào đất rẫy để mở rộng sản xuất, nhưng do một phần đất cằn không phù hợp để trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu… anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích này sang phát triển trồng dâu nuôi tằm và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, chỉ tính riêng thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm trung bình mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Anh Đạo cho hay, nhờ được NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi mà giờ đây gia đình anh đã có 1 con bò, 7 sào cà phê, 3 sào dâu tằm để làm vốn phát triển kinh tế, phấn đấu đến năm 2019 sẽ thoát nghèo.
Mô hình chăn nuôi bò của bà Hoàng Thị Nhạn. |
Cũng tại buôn Đắk Tro, gia đình bà Hoàng Thị Nhạn vẫn không khá lên được sau gần 30 năm rời Hưng Yên vào đây lập nghiệp. Kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào 2 - 3 sào đất rẫy nên gia đình bà Nhạn luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Năm 2014, gia đình bà được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng để mua 2 con bò giống về phát triển mô hình chăn nuôi bò. Sau 3 năm, nhờ tích cóp từ trồng trọt, chăn nuôi gia đình bà đã trả được hết nợ ngân hàng, thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn. Đến nay, đàn bò của gia đình bà đã phát triển lên 8 con. Mới đây gia đình bà Nhạn lại vay vốn NHCSXH 30 triệu đồng để tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi bò nhằm thoát nghèo bền vững.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc