Dẹp loạn "tín dụng đen" (Kỳ 1)
Thời gian gần đây, nạn “tín dụng đen” (TDĐ) - cho vay nặng lãi hoạt động ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã khiến bao gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Thực trạng đó đòi hỏi các cơ quan chức năng của tỉnh phải có những biện pháp quyết liệt, tấn công mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động phi pháp này.
Kỳ 1: Vấn nạn “tín dụng đen”
Với những lời quảng cáo "có cánh" như không cần thế chấp hay chứng minh thu nhập, chỉ cần "alô là có tiền" với lãi suất thấp, các đối tượng, tổ chức TDĐ, cho vay nặng lãi ra tay "giăng bẫy" người cần tiền từ thành thị tới nông thôn.
Dễ như.... vay nặng lãi!
Trong vai người cần tiền để mua hàng về bán, chúng tôi gọi vào một số điện thoại trên tờ rao vặt dán ở cột điện bên đường Nguyễn Công Trứ, TP. Buôn Ma Thuột đặt vấn đề vay số tiền 5 – 10 triệu đồng. Đầu dây bên kia là một giọng nam tiếp chuyện lịch sự, nhiệt tình. Sau khi hỏi qua loa về nghề nghiệp, địa chỉ, người này giới thiệu: “Thủ tục bên em nhanh như điện, giải ngân trong vòng 30 phút, lãi suất thấp hơn chỗ khác", rồi cho biết cụ thể là thủ tục vay chỉ cần bản phô tô một trong các giấy tờ: CMND hoặc hộ khẩu, bằng lái, giấy đăng ký xe...
Đoàn viên thanh niên ra quân xóa quảng cáo cho vay "tín dụng đen" trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Chúng tôi thống nhất vay 6 triệu đồng, trả góp trong vòng 30 ngày với mức 250.000 đồng/ngày và được người cho vay tiền hẹn đến nhà ký hợp đồng và giao tiền sau khoảng 15 phút. Đưa ra lý do ở nhà không tiện, lúc đầu chúng tôi mời “nhân viên” này ra quán cà phê gặp, rồi một lúc sau báo lại họ là không cần nữa vì đã có người quen cho vay tiền. Người này vẫn vui vẻ bảo không sao và không quên nhắn nhủ: “Khi nào anh cần cứ gọi em hoặc ai có nhu cầu anh giới thiệu bên em sẽ chi hoa hồng cho anh”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi nhóm TDĐ, cho vay nặng lãi thường có 3-5 đối tượng, phần nhiều ở các tỉnh phía Bắc vào hành nghề. “Con mồi” của những đối tượng này chủ yếu là người dân lao động tự do, kinh doanh nhỏ lẻ, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Người vay chỉ cần đưa CMND, sổ hộ khẩu và dẫn họ về nhà để viết giấy vay nợ, sau khi cho vay họ sẽ cho người đến tận nhà thu tiền mỗi ngày. Dù có thời gian cho vay nhanh và thủ tục đơn giản, nhưng đối tượng cho vay thường không quy định lãi suất mà chỉ đưa ra số tiền lãi phải trả hằng ngày để người vay cảm thấy mức lãi này thấp, nhưng thực tế rất cao.
Gia đình ông Y Đrung và bà H’Nháp Niê ở buôn Trấp (xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi bị một nhóm xã hội đen đến nhà xiết nợ. Bà H’Nháp Niê cho biết, tháng 6-2018 do hoàn cảnh quá khó khăn vợ chồng bà được một người tên Loan giới thiệu vay 100 triệu đồng của nhóm người lạ về mua phân bón, chi tiêu sinh hoạt gia đình với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/ngày. Trong đời, bà chưa bao giờ vay được số tiền lớn mà lại dễ đến vậy. Nhưng niềm vui chẳng được lâu, chỉ vài ngày sau, bà bắt đầu “choáng váng” với số tiền lãi phải đóng hằng ngày. Sau 20 ngày của tháng đầu tiên, gia đình bà phải trả 20 triệu đồng tiền lãi, tháng thứ hai chạy vạy khắp nơi cũng chỉ kiếm được 8 triệu để trả lãi, sang tháng thứ ba không thể trả được nữa. Sau đó, một nhóm 4 thanh niên đi ô tô đến nhà bắt đi một con lợn và thu giữ một xe máy (của con rể) và bắt ký vào một tờ giấy, mặc dù vợ chồng bà H’Nháp đều không biết chữ.
Nhưng ... trả khó!
Khi vướng vào TDĐ, nhiều người dân đã lâm vào tình cảnh khánh kiệt, nợ nần chồng chất, tinh thần hoang mang. Bà Tạ Thị Hoa ở thôn 5 (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) - một nạn nhân của TDĐ cho biết, cách đây khoảng 1 năm, do cần tiền để giải quyết việc gia đình mà không xoay xở được đâu nên đã tìm đến dịch vụ vay tiền nhanh.
Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh cho biết, qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh đã phát hiện 132 trường hợp người dân tộc thiểu số tại 9/15 huyện, thị xã, thành phố tham gia TDĐ không có khả năng chi trả với số tiền trên 70 tỷ đồng. |
Chỉ cần 15 phút và 1 chiếc bằng lái xe bà đã vay được 10 triệu đồng, nhưng thực nhận chỉ được 9,2 triệu vì chủ nợ lấy 300 ngàn tiền làm hồ sơ vay, 500 ngàn tiền góp của ngày đầu tiên. Số tiền này bà cam kết phải trả góp trong vòng 24 ngày, mỗi ngày 500 ngàn. Trả góp được 12 ngày thì bà không còn tiền để đóng, bất đắc dĩ bà phải vay tiếp thêm 10 triệu để trả cho khoản vay đầu nên số tiền góp phải đóng hằng ngày tăng lên gấp đôi. Không xoay xở đâu ra ngày 1 triệu đồng để góp cho chủ nợ, bà Hoa phải bỏ nhà đi xuống TP. Hồ Chí Minh kiếm tiền trả nợ. Khi không thấy bà ở nhà, chủ nợ điện thoại cho bà liên tục với những lời lẽ đe dọa và chửi bới tục tĩu. Để có tiền trả nợ, bà phải quần quật bán nước trên vỉa hè, cộng với tiền mấy đứa con hỗ trợ mới đủ mỗi ngày 1 triệu đồng chuyển khoản đóng cho chủ nợ. Với vòng luẩn quẩn “vay chỗ này, trả chỗ kia” đến nay bà vẫn chưa dứt ra khỏi những khoản vay nặng lãi.
Công an tỉnh thu giữ tài liệu của một nhóm cho vay nặng lãi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Khi đã dính vào TDĐ, không đủ tiền trả đã khốn đốn, mà có đủ trả cũng không dễ dứt ra. Như trường hợp anh Phan Thanh Nhã (34 tuổi, ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) do cần tiền gấp đã đến Công ty TNHH Đại Phát cầm cố giấy chứng nhận đăng ký xe máy vay 6 triệu đồng với lãi suất 30 nghìn đồng/ngày. Đến ngày 2-11, anh Nhã mang cả tiền lãi và tiền gốc đến trả nhưng nhân viên công ty này không chịu nhận mà muốn anh Nhã mượn tiếp để thu lãi. Hai bên xảy ra cãi vã, đối tượng Đào Văn Tài (SN 1996 trú tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) dùng ống điếu thuốc lào đánh vào đầu anh Nhã khiến anh bị thương tật 10%. Sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Krông Pắc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt đối tượng gây thương tích. Qua khám xét trụ sở Công ty này cho thấy từ tháng 4 đến tháng 12 – 2018, công ty đã cho vay hơn 3 tỷ đồng, lãi suất thể hiện trong hồ sơ 150 – 180%/năm.
(còn nữa)
Minh Thông - Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc