Khi người dân liên kết làm cà phê chất lượng cao
Những ngày cuối của niên vụ cà phê 2018 – 2019, nông dân xã Ea Tân (huyện Krông Năng) vẫn đang hối hả thu hái quả chín theo chuẩn chất lượng cao và tiến hành sơ chế ngay vừa khi thu hoạch.
Người đầu tiên của xã Ea Tân quyết tâm chuyển đổi từ phương thức canh tác thông thường sang làm cà phê chất lượng cao là ông Nguyễn Văn Trình (SN 1980) ở thôn Quang Trung. Rời quê nhà Hà Tĩnh vào đây lập nghiệp từ năm 1997, ông Trình chăm chỉ làm ăn, đến nay đã có 7 ha trồng cà phê, xen canh tiêu và cây ăn quả. Sau nhiều năm làm cà phê, ông Trình nhận thấy phương thức canh tác và sơ chế lâu nay cho chất lượng cà phê không cao, giá cả phụ thuộc vào thị trường quốc tế, mà nhu cầu dùng cà phê sạch, chất lượng cao của người tiêu dùng rất lớn, cũng như cà phê nguyên liệu cho các nhà rang xay còn rất thiếu, do đó ông quyết định chuyển sang làm cà phê chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Trình (phải) trao đổi với ông Ngô Văn Minh về quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao. |
Năm 2015 ông Trình đầu tư vốn xây dựng hệ thống chế biến ướt, nhà lồng, bảo quản và phân loại cà phê… Theo ông, điều khó và quan trọng nhất đối với người nông dân trong sản xuất cà phê chất lượng cao chính là việc phải hái chín và tuân thủ quy trình phơi, bảo quản để cà phê giữ được hương vị đặc trưng. Ông Trình tâm sự: “Tuy đã học rất kỹ kiến thức nhưng khi mới triển khai vẫn gặp khó khăn ở tất cả các khâu, từ năng suất đến đầu ra sản phẩm. Phải đến niên vụ 2017 – 2018, khi bắt đầu có uy tín thì tôi mới có đơn đặt hàng từ các nhà rang xay có tên tuổi, giá xuất bán cao hơn so với thị trường. Hiện mỗi năm mô hình của tôi có thể cung cấp 70 tấn cà phê chất lượng cao ra thị trường”.
Không chỉ phát triển mô hình cho riêng gia đình, ông Trình còn vận động, thuyết phục nhiều hộ dân trong vùng cùng liên kết triển khai việc sản xuất cà phê chất lượng cao. Gia đình ông Ngô Văn Minh ở thôn 5, xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo) có 3,5 ha trồng cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 1,4 ha, còn lại đang tái canh và trồng cây ăn quả.
Trước đây, việc thu hoạch cà phê phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên rất vất vả, đến năm nay, ông Minh đã yên tâm hơn khi tham gia vào chuỗi sản xuất cà phê chất lượng cao. Năm 2017, được sự hỗ trợ của ông Trình, ông Minh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống sàn phơi, lò sấy sạch bằng hơi, lò sấy chất lượng cao, các bể chứa, khu chế biến rộng, hệ thống nhà lồng phơi cà phê hai tầng… Ông Minh bày tỏ: “Chuyển sang làm cà phê chất lượng cao, tôi thấy hiệu quả cao hơn; canh tác cà phê chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng và không phun thuốc trừ sâu, thuốc nấm rệp; giá thu mua của các nhà rang xay cũng cao hơn”.
Nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống nhà lồng để phơi và bảo quản cà phê sau khi thu hoạch. |
Không chỉ làm cà phê chất lượng cao mà hiện nay, ông Trình hay ông Minh, cũng như người dân ở đây đang mong muốn hướng đến sản xuất cà phê đặc sản của vùng đất này. Ông Trình cho hay: “Để tạo uy tín, tôi đã thành lập Công ty TNHH Ngọc Mai Quang Trung, chuyên kinh doanh cà phê sạch để có điều kiện liên kết với nhiều hộ dân trong vùng cùng sản xuất cà phê chất lượng cao, đầu tư thêm công sức cũng như học hỏi thêm kỹ thuật nhằm hướng đến sản xuất cà phê đặc sản, góp phần nâng cao giá trị lợi nhuận, nâng cao uy tín của hạt cà phê Đắk Lắk”.
Có thể thấy, từ trước đến nay với tập quán canh tác truyền thống, đa phần nông dân đều phụ thuộc vào thời tiết và thị trường nên thường xuyên xảy ra tình trạng “Được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nay tình trạng này đã dần khắc phục khi nông dân chủ động sản xuất cà phê chất lượng cao. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, với việc đầu tư sản xuất cà phê chất lượng cao người dân cũng đang tiến dần đến việc sản xuất cà phê đặc sản. Bởi đây chính là giá trị gia tăng cho cà phê, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân và khẳng định thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng: “Khu vực phía Bắc của tỉnh bao gồm các huyện như: Krông Năng, Ea H’leo… có độ cao từ 600 đến 700 m trở lên, đang có nhiều lợi thế để phát triển vùng cà phê đặc sản của tỉnh, với sản lượng có thể cung cấp khoảng 1.000 tấn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cà phê, người làm cà phê trên địa bàn tập trung sản xuất cà phê chất lượng cao, hướng đến cà phê đặc sản trong tương lai”. |
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc