Ngành cà phê trước những cơ hội và thách thức
Trong bối cảnh cà phê đang đối mặt với những áp lực: cạnh tranh gay gắt về nguồn cung trên thị trường; “tranh chấp” về diện tích cùng tính cạnh tranh về hiệu quả kinh tế so với các nông sản khác…, để phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng, ngành cà phê cần một chiến lược phù hợp.
Mùa cà phê nhiều trăn trở
Niên vụ 2017-2018, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của toàn tỉnh đạt khoảng 191 nghìn tấn, kim ngạch đạt 365 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,47% so với cả nước. So sánh với niên vụ 2016-2017, cà phê xuất khẩu của tỉnh giảm 5% về sản lượng (9.993 tấn) và 18% về kim ngạch (80,238 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu giảm do giá cà phê trong niên vụ này giảm, từ 42 triệu đồng/tấn vào đầu niên vụ xuống còn 32,6 triệu đồng/tấn ở thời điểm cuối niên vụ.
Phơi sấy cà phê chế biến trên hệ thống giàn phơi của Công ty TNHH MTV MINUDO Farm-Care. |
Sản lượng cà phê của toàn tỉnh giảm cũng bởi lý do ngành cà phê đang đẩy mạnh tái canh cải tạo vườn cây. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết niên vụ 2017-2018, các địa phương thực hiện tái canh cà phê được 26.818 ha, đạt 64,48% kế hoạch, riêng năm 2018 thực hiện tái canh được 4.862 ha, đạt 71,09% kế hoạch. Công tác tái canh diễn ra chậm và gặp nhiều khó khăn về vốn đối với cả nông dân và một số doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh. Với giá cà phê nhân giảm xuống sâu, có thời điểm chỉ còn từ 32.500 - 32.700 đồng/kg đã khiến các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê không có lãi, thậm chí là lỗ đối với những vườn cà phê cho năng suất thấp. Bên cạnh đó, diện tích cà phê giảm còn là do một số diện tích tái canh lại chuyển sang trồng sầu riêng, bơ, chanh leo và cây khác có giá trị cao hơn…
Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội
Là một trong những doanh nghiệp “kỳ cựu” trong ngành cà phê, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đã có những bước đi vững chắc để vượt qua một niên vụ nhiều khó khăn. Để giữ vững thị trường hiện có cũng như chiếm lĩnh thị trường mới trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ, doanh nghiệp tiếp tục có những chiến lược để cung ứng nguyên liệu trực tiếp cho các nhà rang xay, đồng thời duy trì kênh bán hàng tực tiếp và chuỗi cung ứng từ người sản xuất đến người sử dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Chính vì vậy niên vụ 2017-2018, tổng sản lượng xuất khẩu của đơn vị đạt 100.000 tấn; tiêu thụ nội địa đạt 8.000 tấn.
Chế biến cà phê tại Nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột. Ảnh: Lê Hương |
Ông NGUYỄN HẢI NINH, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
|
Có thể thấy, ngành cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức: biến đổi khí hậu, chia sẻ diện tích canh tác đối với cây trồng khác, áp lực cạnh tranh gay gắt… Tuy nhiên, những thách thức, khó khăn này sẽ là cơ hội để ngành cà phê xác định đâu là chiến lược hợp lý nhất cho sự phát triển bền vững, từ công tác quy hoạch đến việc xây dựng một mô hình canh tác để không những tạo ra giá trị ổn định về mặt chất lượng, sản lượng mà quan trọng nhất là tạo ra giá trị nguồn thu cho người dân nói riêng cũng như bảo đảm nguồn thu lâu dài cho tỉnh.
Bên cạnh đó, trong xu thế mới, nguồn thu chính trong tương lai từ cà phê sẽ đến từ các nhà rang xay, chế biến sâu. Điều này cũng cho thấy, các doanh nghiệp đang cố gắng nỗ lực tìm cách nâng cao giá trị gia tăng cà phê bởi chỉ có các sản phẩm chế biến sâu mới giúp ngành cà phê không bị chi phối, ảnh hưởng nhiều bởi sự biến động về giá trên thị trường thế giới.
Một chiến lược mới trong phát triển để tương lai Đắk Lắk là tỉnh có chất lượng cà phê Robusta hàng đầu Việt Nam và thế giới, chứ không đơn thuần chỉ đứng đầu về sản lượng cũng là vấn đề mà chính quyền địa phương đang trăn trở để góp phần đưa ngành cà phê sang thời kỳ phát triển mới: năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc