Multimedia Đọc Báo in

Nhà vườn tất bật chuẩn bị hoa Tết

09:11, 17/01/2019

Về những “làng hoa” ở TP. Buôn Ma Thuột những ngày này, không khí Tết như đến sớm hơn, bởi đi đến đâu cũng nghe tiếng cười nói rộn ràng của người lao động và những thương lái tìm mua hoa Tết...

Sau khi dẫn thương lái đi xem hoa, anh Đinh Tuấn Tú, một chủ vườn hoa cúc ở tổ dân phố 6 (phường Khánh Xuân) cho biết: Năm nay gia đình anh trồng 3.000 chậu, trong đó có 2.000 chậu thương lái đã đặt tiền cọc, đợi đến giáp Tết sẽ cho lên xe chuyển đi tiêu thụ. Theo anh Tú, năm nay thời tiết khá đẹp, ít mưa, thuận lợi cho hoa cúc phát triển. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nếu như thời tiết ổn định thì người trồng hoa chắc chắn sẽ có lãi.

Anh Đinh Tuấn Tú ở tổ dân phố 6 (phường Khánh Xuân) đang chọn nụ cho hoa cúc.
Anh Đinh Tuấn Tú ở tổ dân phố 6 (phường Khánh Xuân) đang chọn nụ cho hoa cúc.

Tương tự, một chủ vườn hoa cúc ở tổ dân phố 8 (phường Khánh Xuân) cũng phấn khởi cho hay: “Năm nay tôi đầu tư trồng hơn 1.000 chậu, tăng 400 chậu so với năm ngoái, chủ yếu là cúc đại đóa, kim cương, pha lê... Đến thời điểm này, 850 chậu hoa đã được thương lái mua, còn 150 chậu chưa bán được. Mấy hôm nay, cũng có vài thương lái đến xem nhưng chưa được giá nên tôi chưa bán”.

Một nhà vườn ở phường Ea Tam đang tất bật chăm sóc hoa cúc để phục vụ thị trường Tết.
Một nhà vườn ở phường Ea Tam đang tất bật chăm sóc hoa cúc để phục vụ thị trường Tết.
 
“Năm nay, phường Khánh Xuân có số lượng hoa cúc bán Tết khoảng 20.000 chậu, chủ yếu là cúc đại đóa, pha lê, kim cương... tăng 20 - 30% so với năm ngoái. Đến thời điểm này, hơn 50% chậu cúc đều đã được xuất bán, chủ yếu cho các thương lái ở các huyện trên địa bàn tỉnh như Buôn Đôn hay Krông Nô, Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông)...”.
 
Ông Phạm Văn Tiến, cán bộ nông nghiệp phường Khánh Xuân

Giữa trưa nắng, “làng hoa” ở phường Ea Tam nằm sâu ở cuối đường Nguyễn Trường Tộ vẫn có nhiều người tranh thủ chăm sóc các loại hoa cúc. Với thâm niên 21 năm gắn bó nghề trồng hoa cúc, chị Nguyễn Thị Hương cho biết, toàn bộ 1.700 chậu cúc vườn nhà chị đã được thương lái mua hết, chỉ chờ ngày chuyển lên xe đi tiêu thụ. “So với các loại hoa khác, trồng hoa cúc tuy vất vả, tỉ mẩn chăm bón nhưng ít rủi ro hơn, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Nhờ tích lũy kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc, bảo đảm quy trình từ khâu làm đất, xuống giống, tạo dáng, tỉa cành, làm nụ, áp dụng khoa học kỹ thuật... nên vườn hoa cúc của gia đình tôi luôn phát triển tốt, ra nụ đều, dáng đẹp. Vì thế, hoa nhà tôi trồng luôn được thương lái tìm đến mua hết sớm”, chị Hương chia sẻ và cũng nhẩm tính vụ hoa cúc năm nay dự kiến sẽ mang lại doanh thu khoảng 400 triệu đồng.

Theo nhiều nhà vườn trồng hoa cúc ở TP. Buôn Ma Thuột, so với năm ngoái, năm nay chi phí đầu vào như: phân bón, giống, nhân công... đều tăng nhưng giá bán vẫn như cũ, giá dao động từ 180.000 đồng - 1.000.000 đồng/chậu tùy loại. Nếu hoa được bán hết, trừ chi phí đầu tư, người trồng hoa lãi khoảng 30%, nếu hoa đẹp nhiều nhà vườn thu lãi 40 - 50%.

Thùy Duyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.