Phát triển nông lâm kết hợp: Còn những khoảng trống về chính sách (Kỳ 1)
Thời gian qua, nông nghiệp Đắk Lắk tuy đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Thực trạng này buộc ngành Nông nghiệp tỉnh phải có những giải pháp ứng phó về lâu dài, trong đó mô hình nông lâm kết hợp được xem là giải pháp quan trọng.
Kỳ 1: Mô hình nông lâm kết hợp: Chưa được quan tâm phát triển
Đắk Lắk có lợi thế lớn để phát triển các mô hình nông lâm kết hợp và trên thực tế các mô hình này đều mang lại hiệu quả cao về kinh tế, môi trường sinh thái. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình kinh tế này hầu như đều do hộ dân tự phát, chưa có sự hỗ trợ tích cực từ địa phương.
Phát triển tự phát
Hiện nay, một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu được các nhà khoa học khuyến cáo là tăng cường đa dạng sinh học trên vườn cây công nghiệp như trồng cây che bóng, cây đai rừng, xen cây ăn quả... hay còn gọi là nông lâm kết hợp. Trên thực tế, mô hình này được người dân ở Đắk Lắk phát triển rất đa dạng dưới hình thức mô hình cảnh quan nông lâm kết hợp (gồm: rừng tự nhiên, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, ruộng, ao…); nông lâm kết hợp vườn cây công nghiệp (gồm: cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây thân thảo…) mang lại hiệu quả cao.
Mô hình nông lâm kết hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ (trái) tại thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê, huyện Lắk. |
Điển hình như mô hình cảnh quan nông lâm kết hợp của ông Nguyễn Văn Kỳ (thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê, huyện Lắk). Năm 2002 ông nhận 8,5 ha diện tích rừng để quản lý và bảo vệ, diện tích phía dưới rừng ông sử dụng để trồng các loại cây như cà phê, sầu riêng xen với một số loại cây ăn quả, cau, sao đen, sưa, ao cá… Mô hình này đem lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình ông ổn định kinh tế.
Tại huyện Krông Năng, rất nhiều mô hình nông lâm kết hợp theo hình thức: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, cây ăn trái… đem lại tiền tỷ cho nông dân. Đơn cử như mô hình trồng xen mắc ca trong vườn cà phê và sầu riêng của hộ ông Đinh Minh Đại (thôn Giang Minh, xã Ea Púk). Theo ông Đại thì việc trồng kết hợp các loại cây trên cùng một diện tích theo tỷ lệ nhất định mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn so với độc canh. Bởi vườn cây tạo ra được sự đa dạng của sản phẩm, đồng thời cải thiện được độ ẩm và độ phì nhiêu của đất, góp phần làm giảm tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Hiện nay, các loại cây trên diện tích 3,5 ha của gia đình cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm và điều thuận lợi nữa là thời gian thu hoạch của 3 loại cây này không trùng nhau nên bà con dễ dàng điều tiết nhân lực.
“Trước sự suy giảm diện tích rừng tự nhiên, khí hậu biến đổi thất thường làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp thì việc hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường rừng là rất quan trọng. Mối quan hệ tương hỗ, đa dạng về loại bảo đảm sự phát triển cho các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, ruộng lúa, cá… Những mô hình này được người dân phát triển hợp lý, mang lại hiệu quả cao về khía cạnh môi trường và kinh tế. Môi trường không bảo đảm được thì kinh tế khó phát triển tốt”. TS. Võ Hùng, Trưởng bộ môn Lâm sinh, Khoa Nông lâm nghiệp (Trường Đại học Tây Nguyên) |
Thạc sĩ Nguyễn Tiến Định, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, một vài hệ thống nông lâm kết hợp đã được đánh giá tại Đắk Lắk như: hệ thống gồm sầu riêng – tiêu – cà phê – đỗ xanh – ngô trong 2 năm đầu cho thu nhập chủ yếu từ cây hằng năm là đỗ xanh và ngô; cà phê cho thu hoạch bắt đầu từ năm thứ 3, sầu riêng cho thu hoạch từ năm thứ 5, cho lãi khoảng 73 triệu đồng/ha/năm; hệ thống nông lâm kết hợp gồm: điều, bí ngô, đậu xanh, ngô, tính trung bình cho lãi khoảng 48 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, các mô hình này đều do người dân, địa phương phát triển tự phát là chính. Bên cạnh đó, có rất nhiều đề tài nghiên cứu về mô hình nông lâm kết hợp nhưng còn mang tính chất rời rạc, chưa có một cơ quan hoặc đơn vị quản lý nào tổng hợp thành cơ sở dữ liệu về nông lâm kết hợp một cách đầy đủ, có hệ thống. Vì vậy rất khó cho các nhà hoạch định chính sách đề ra các chính sách hỗ trợ cụ thể.
Chưa hiểu đúng về mô hình nông lâm kết hợp
Trên thực tế, nông lâm kết hợp là mô hình đã được áp dụng trong thực tiễn sản xuất từ lâu, nhiều nông dân đã xem nông lâm kết hợp là một hợp phần quan trọng giúp nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững. Hệ thống nông lâm kết hợp tốt cho nhiều loại nông sản, làm tăng thu nhập cho người nông dân và cũng đem lại lợi ích cho các dịch vụ sinh thái, môi trường như: lưu trữ các-bon, đa dạng sinh học, giảm xói mòn đất do gió và nước, tăng độ phì nhiêu của đất và cải thiện chất lượng nước, không khí. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có nhận thức của cán bộ quản lý về vấn đề này chưa đúng.
Mô hình trồng mắc ca xen cà phê và sầu riêng của ông Đinh Minh Đại (bìa trái) ở thôn Giang Minh, xã Ea Púk, huyện Krông Năng. |
TS. Võ Hùng, Trưởng bộ môn Lâm sinh, Khoa Nông lâm nghiệp (Trường Đại học Tây Nguyên) cho biết, ở Việt Nam khi nhắc tới nông lâm kết hợp, người ta thường nghĩ ngay đến các mô hình trồng cây dưới tán rừng hoặc phát triển cây lâm nghiệp kết hợp với cây công nghiệp. Trong khi đó, theo định nghĩa của thế giới về nông lâm kết hợp là “hệ thống sử dụng đất, trong đó các cây thân gỗ lâu năm (cây gỗ, cây bụi, cọ, tre…) được trồng có tính toán trên cùng một đơn vị diện tích đất với các loại cây nông nghiệp ngắn ngày và/hoặc được kết hợp với chăn nuôi, có thể kết hợp đồng thời hoặc kế tiếp nhau theo thời gian và không gian”.
Một hệ thống nông lâm kết hợp phải có 5 đặc điểm: thường bao gồm hai hay nhiều hơn hai loại cây trồng (hay cây trồng và vật nuôi), trong đó ít nhất phải có một loại cây thân gỗ lâu năm; tạo ra hai hay nhiều sản phẩm; chu kỳ sản xuất dài hơn một năm; đa dạng hơn về sinh thái và kinh tế so với hệ thống sản xuất độc canh; có sự tương tác qua lại giữa các yếu tố cấu thành hệ thống. Chính vì hiểu không đúng nên nhiều địa phương bỏ lỡ các dự án đầu tư về nông lâm kết hợp. Đơn cử như Dự án Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (Flitch) có hợp phần hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp và phát triển nông lâm kết hợp, nếu nông dân tham gia thực hiện sẽ được hỗ trợ từ 300-500 USD/ha. Tuy nhiên, điều rất đáng buồn là ở nhiều địa phương, các cán bộ quản lý không hiểu đúng về nông lâm kết hợp khiến hợp phần này không thực hiện được.
(Còn nữa)
Minh Thuận - Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc