Multimedia Đọc Báo in

Ấm no trên quê hương mới

09:51, 12/02/2019

Huyện Cư M’gar hiện đã trở thành quê hương thứ hai của nhiều người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đến tạo lập cuộc sống ổn định, ấm no.

Đến thôn An Phú, xã Ea Đrơng (huyện Cư M’gar) từ năm 1991, gia đình ông Mai Văn Phượng xem đây là quê hương thứ hai của mình, làm giàu và nuôi con ăn học nên người cũng chính trên vùng đất này.

Bắt đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, ông Phượng xin vào làm công nhân Nông trường Cao su Phú Xuân rồi dành dụm mua được 6 sào đất trống. Như nhiều nông dân khác ở địa phương, cây cà phê được ông chọn làm cây trồng chủ lực, đồng thời xen thêm hồ tiêu, cây sầu riêng. Nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây trồng của gia đình ông phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh, năng suất không ngừng được nâng lên và mang lại hiệu cao kinh tế cao cho gia đình. Làm ăn có lãi, ông đã mua thêm đất mở rộng quy mô sản xuất, đến nay gia đình ông đã có 2,4 ha đất trồng hơn 2.000 cây cà phê, xen thêm 200 cây sầu riêng, 50 cây bơ, 400 trụ tiêu. Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình ông thu được 20 tấn sầu riêng, 3,5 tấn cà phê, hơn 1 tấn tiêu, khoảng 1 tấn bơ mang lại thu nhập gần 1,2 tỷ đồng sau khi đã trừ hết các chi phí. Cuộc sống khấm khá, ông Phượng đã xây được nhà cửa khang trang (trị giá gần 1 tỷ đồng) cùng nhiều phương tiện sinh hoạt…

Ông Mai Văn Phượng (trái) trao đổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng  với một người dân.
Ông Mai Văn Phượng (trái) trao đổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng với một người dân.

Còn với anh Nguyễn Văn Thiện ở buôn Ea Kiêng (xã Ea Tar), từ Hải Phòng vào Đắk Lắk lập nghiệp, gia đình anh thoát cảnh nghèo khó bắt đầu từ đi làm thuê làm mướn rồi gom góp mua được hơn 1,3 ha đất cao su già cỗi. Anh đã cải tạo và chuyển đổi diện tích này sang trồng cây cà phê. Tuy nhiên, thời gian đầu, do cây cà phê được trồng với nguồn giống không bảo đảm năng suất đạt thấp, giá cả không ổn định nên anh gặp rất nhiều khó khăn. Không nản lòng, anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào phát triển sản xuất. Với kỹ thuật ghép chồi, vườn cà phê của gia đình anh dần được thay thế bằng những giống mới, cho năng suất cao. Đến nay, năng suất cà phê của gia đình anh đã được nâng lên đáng kể, bình quân mỗi năm thu được khoảng 5 tấn cà phê nhân, thậm chí có năm lên đến 7 tấn... Anh Thiện còn nấu thêm rượu và tận dụng bã hèm làm thức ăn nuôi heo (với quy mô 18 con heo mẹ). Bình quân, mỗi năm anh xuất bán ra thị trường 250 – 300 con heo (trọng lượng khoảng 100 kg/con) mang về cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể... Gia đình anh còn đầu tư nuôi thêm gà và vịt... Hiện nay, mỗi năm sau trừ chi phí gia đình anh có thu nhập hơn 200 triệu đồng; xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và con cái có điều kiện học hành...

Huyện Cư M’gar được thành lập năm 1984, toàn huyện có 17 xã, thị trấn, có trên 185.770 người, với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm hơn 36%, còn lại là các dân tộc khác từ khắp mọi miền Tổ quốc đến sinh sống, làm ăn. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 42 triệu đồng/năm; toàn huyện hiện có hơn 9.000 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp và chỉ còn hơn 2.100 hộ nghèo (chiếm 5,18%).


Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.