Multimedia Đọc Báo in

Đối mặt với hạn hán (Kỳ 2)

08:49, 27/02/2019

Vào những tháng mùa khô, nhất là các năm hạn nặng khiến nguồn nước mặt khan hiếm thì nguồn nước ngầm là “cứu cánh” cho người sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk.  

Kỳ 2:  Nước ngầm không còn là “cứu cánh”

Hằng năm, trong các giải pháp chống hạn mà nhiều địa phương đưa ra như điều tiết nước từ nơi nhiều đến nơi ít; chủ động nâng cao ngưỡng tràn tại các đập dâng, đắp đập tạm để tăng dung tích trữ nước; khơi thông kênh mương và đặt nhiều trạm bơm để hút nước từ thấp lên cao; tiết kiệm tối đa nguồn nước cũng như thực hiện đúng lịch trình bơm tưới theo thứ tự ưu tiên cho từng loại cây trồng… thì việc khuyến khích người dân nỗ lực khoan, đào giếng để tìm nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng được xem là biện pháp khả thi nhằm đối phó với tình trạng hạn hán diễn ra. Vì thế mọi người, mọi nhà không ngừng đua nhau khoan, đào cũng như cơi nới thêm lòng giếng để tìm nguồn nước ngầm bù vào cho lượng nước mặt đã bị cạn kiệt. 

Người dân buôn Ea Nao, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột khoét sâu thêm giếng để lấy nước tưới.
Người dân buôn Ea Nao, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột khoét sâu thêm giếng để lấy nước tưới.

Vậy vấn đề khai thác nước ngầm ở đây diễn ra như thế nào? Dù chưa có văn bản nào khảo sát, đánh giá về vấn đề này, nhưng nhìn trên thực tế có thể thấy việc khai thác nước ngầm ở đây đang rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy làm” và không thể kiểm soát nổi. Theo Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng – Thủy văn (Sở Tài nguyên – Môi trường), tại một số vùng như Krông Pắc, Krông Búk, Ea H'leo, Buôn Hồ, Krông Năng, Cư M’gar và phía Đông TP. Buôn Ma Thuột thì trung bình cứ trên 1 km2 (đất sản xuất nông nghiệp xen lẫn khu dân cư) có tới 120 – 150 giếng đào, khoan lớn nhỏ để lấy nước ngầm với tần suất hơn 200 triệu lít/ngày đêm. Trong đó, điều đáng lưu ý là cứ mùa khô năm sau thì số giếng đào, khoan tăng hơn năm trước – và độ sâu của nó cũng gia tăng qua từng năm khiến vốn tài nguyên quý báu này ngày càng mất an toàn.                

Thông số đánh giá hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm ở mức cho phép trên địa bàn Đắk Lắk của Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng –  Thủy văn (Sở Tài nguyên – Môi trường) đưa ra từ những năm 2001 là khoảng 4 – 4,2 triệu m3/ngày đêm. Đến nay đã tăng lên rất nhiều, mặc dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng qua đánh giá của các cơ quan chức năng có thể lên tới hơn 6 triệu m3/ngày đêm, trong đó lượng nước ngầm được khai thác vào 6 tháng mùa khô chiếm 80%. Tình trạng này dẫn đến hệ quả tất yếu là mực nước ngầm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua sụt giảm nghiêm trọng.  

 

Sự mất cân bằng sinh thái và ngày càng bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững trong việc tìm kiếm, sử dụng nguồn nước tưới, đặc biệt là nguồn nước ngầm ở Đắk Lắk phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vào những tháng mùa khô đang trở nên nan giải và nóng bỏng thêm”.

 
TS. Trần Văn Tuấn, Trường Đại học Thủy lợi – Hà Nội

Ngành địa chất cũng như các cơ quan chức năng cho rằng sự giàu nghèo của nguồn tài nguyên nước ở đây phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm và thành phần lớp phủ bề mặt đóng vai trò lưu giữ nước của thành tạo địa chất từng vùng, nếu để mất đi, hay làm suy giảm một hoặc nhiều yếu tố trên sẽ khiến tài nguyên nước nghèo đi. Cảnh báo là vậy, còn trên thực tế cho thấy đến nay trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung đã để mất đi ngày càng nhiều yếu tố quan trọng và có tính chất quyết định trên. Ngoài lượng mưa hàng năm có xu hướng ít đi, do mùa khô kéo dài, thì tình trạng mất rừng và sự thay đổi nhanh chóng của lớp phủ bề mặt trên thành tạo địa chất, mà cụ thể là trên đất (vì mục đích quy hoạch để trồng hoa màu, cây công nghiệp và nhiều dự án nông – lâm nghiệp khác) đã làm cho mực nước ngầm sụt giảm trung bình từ 4 – 6 m.

Mới đây, qua khảo sát của nhóm nghiên cứu khoa học (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học – Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên) về nguồn tài nguyên nước ngầm phục vụ cho quá trình mở rộng, chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung để trình Chính phủ tham vấn và quy hoạch một nền nông nghiệp bền vững cho khu vực này (giai đoạn 2016 – 2025) cho thấy một số vùng như Krông Pắc, Lắk, Krông Búk, Cư M'gar và phía Đông TP. Buôn Ma Thuột… mực nước ngầm tiềm năng không còn nhiều như 15 năm trước. Nếu như những năm 2005 – 2006, các vùng nông nghiệp trọng điểm trên có thể khai thác tối đa 0,5 – 0,6 triệu m3/ngày đêm, thì nay còn chưa đầy 400.000 m3/ngày đêm.

Giếng đào ở buôn Ea Nao, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột chỉ tưới khoảng 1 giờ là kiệt nước.
Giếng đào ở buôn Ea Nao, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột chỉ tưới khoảng 1 giờ là kiệt nước.

Rõ ràng, nguồn nước ngầm không còn là “cứu cánh” cho hàng vạn nông hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mỗi khi xảy ra tình trạng khô hạn có xu hướng gia tăng hàng năm. Đã đến lúc chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng khẩn trương, chủ động hơn trong việc quy hoạch, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước ngầm đang trở nên khan hiếm như hiện nay mới có thể bảo đảm cho việc phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững trong tương lai.

  Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.