Multimedia Đọc Báo in

Hải quan Đắk Lắk: Lấy cải cách hành chính làm "bàn đạp" tăng thu ngân sách

09:52, 12/02/2019

Cục Hải quan Đắk Lắk được giao quản lý tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Địa bàn khá rộng, hoạt động xuất nhập khẩu lại không sôi động như các địa phương khác nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, năm 2018 Cục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Văn Nhuận, Cục trưởng Cục Hải quan Đắk Lắk phân tích, vì địa bàn quản lý rộng nhưng lại không có cảng biển như các địa phương khác, lượng hành khách, phương tiện, hàng hóa rất hạn hẹp nên để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị phải thực hiện các biện pháp nhằm thu hút doanh nghiệp, toàn bộ hoạt động của Cục đều được thực hiện theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Với phương châm đó, Cục Hải quan Đắk Lắk đã ban hành và thực hiện hàng loạt kế hoạch cải cách hành chính; kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính; kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật… Đặc biệt, Cục đã triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN theo lộ trình của ngành, giảm tối đa thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp; duy trì vận hành hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thực hiện hải quan điện tử, thanh toán điện tử... Nhờ đó, nhận thức của lãnh đạo, công chức, nhân viên Hải quan được nâng cao, tạo sự hài lòng, đồng thuận giữa người đi thực hiện thủ tục và người trực tiếp giải quyết các thủ tục trong quá trình xử lý cũng như chấp hành tốt các quy định của pháp luật có liên quan…

Cán bộ Cục Hải quan Đắk Lắk kiểm tra thực tế hàng hóa sau thông quan tại một đơn vị trên địa bàn do Cục quản lý.
Cán bộ Cục Hải quan Đắk Lắk kiểm tra thực tế hàng hóa sau thông quan tại một đơn vị trên địa bàn do Cục quản lý.

Với nỗ lực của mình, năm 2018 Cục Hải quan Đắk Lắk đã thu hút được 96 doanh nghiệp mới đăng ký thông quan, chiếm 35,4% tổng số doanh nghiệp thông quan tại Cục, tăng 18 doanh nghiệp so với năm 2017, với tổng số thu ngân sách đạt hơn 239 tỷ đồng, tăng 196 tỷ đồng so với số thu doanh nghiệp mới của năm 2017. Các chỉ số tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, tờ khai, kim ngạch và thu ngân sách nhà nước năm 2018 đều vượt các chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng của năm và tăng mạnh so với năm 2017. Cụ thể, trong năm 2018 toàn Cục có 271 doanh nghiệp đăng ký thực hiện thông quan, đạt 108,4% chỉ tiêu phấn đấu (tăng 21,5% so với năm 2017); thực hiện 18.041 tờ khai, đạt 106,9% kế hoạch (tăng 16,2%); kim ngạch xuất khẩu hơn 1,6 tỷ USD, đạt 101,3% kế hoạch (tăng 17%); thu thuế được 837,6 tỷ đồng, đạt 114,7% kế hoạch (tăng 32,7%).

Kim ngạch xuất - nhập khẩu và thu thuế tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng xuất khẩu trọng điểm như Alumin với kim ngạch đạt gần 552 triệu USD, số thu thuế đạt gần 258 tỷ đồng (so với năm 2017 tăng 66% về kim ngạch, tăng 46% về thuế); thép nhập khẩu đạt hơn 62 triệu USD kim ngạch, đóng góp 141,7 tỷ đồng tiền thuế; gỗ nhập khẩu từ Campuchia đạt 17,8 triệu USD trị giá kim ngạch và đóng góp 41,4 tỷ đồng tiền thuế...

Cán bộ Bộ phận một cửa Cục Hải quan Đắk Lắk xử lý hồ sơ trên hệ thống của ngành.
Cán bộ Bộ phận một cửa Cục Hải quan Đắk Lắk xử lý hồ sơ trên hệ thống của ngành.

Tiếp nối những thành công đó, năm 2019, Cục Hải quan Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch trên địa bàn quản lý, đem đến sự hài lòng hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, phấn đấu duy trì điểm số và chỉ số xếp hạng của đơn vị về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; tăng cường hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, người khai hải quan về pháp luật hải quan và pháp luật có liên quan; xây dựng đội ngũ công chức, nhân viên hải quan chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.